Đây là dự báo được S&P Global Ratings xây dựng dựa trên các số liệu về thương mại và tiêu dùng. 11,2% là dự báo khác của cơ quan này về mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.
Trước đó, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi ICAEW (The Institute of Chartered Accountants in England and Wales-Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales), Việt Nam được đánh giá có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo này cũng đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Trong khi đó, bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp quốc (GII) được công bố vào khoảng đầu tháng 9 vừa qua, Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong năm thứ hai liên tiếp - tăng từ vị trí 71 vào năm 2014 và đứng đầu trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Thu được nhiều kết quả đổi mới ở nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào, thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian là một đánh giá khác của bảng xếp hạng này, bao gồm liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế dựa trên 80 tiểu tiêu chí được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hợp quốc (WIPO), Trường Kinh doanh INSEAD và Đại học Cornell phối hợp biên soạn.
Đây là những thông số tích cực của nền kinh tế Việt Nam so với toàn cầu, được đặt trong bối cảnh tác động đa chiều của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, để vượt ra được những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, vấn đề lại phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp tức thời và chiến lược, bằng cách chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề là các quốc gia cũng phải đưa ra các giải pháp đặc biệt, không quá quan tâm đến tăng trưởng cao hay thấp, mà quan trọng là hạn chế tổn hại, duy trì sự sống cho doanh nghiệp và hỗ trợ người dân. Thúc đẩy đầu tư công, thu hút đầu tư từ khu vực FDI và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất là những việc đang được Chính phủ thực hiện. Đây cũng là tinh thần chủ lưu trong khôi phục và phát triển sản xuất, thu hút đầu tư ở các địa phương.
Hành động để phục hồi tăng trưởng, do vậy là một tinh thần chủ đạo để phục hồi nền kinh tế trong thời kỳ bình thường mới. Đây cũng là những vấn đề sẽ được đặt ra tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020 với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng theo hướng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên COVID-19” với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng sẽ đóng góp rất nhiều về tiến trình này từ những tham vấn, gợi ý chính sách quý giá…
Lê Nguyễn