Dù các đợt thiên tai dồn dập đã qua gần một tháng, nhưng nhiều vùng thấp trũng ở các địa phương Quảng Điền, Phú Vang… nước chỉ mới rút. Nước ngâm dài ngày không chỉ làm các cây hoa màu, cây có múi chết mà ngay cả các loại cây thân gỗ tốt như mít, keo, tràm cũng chết đứng. Một hiện tượng mà theo các cụ cao niên là chưa từng xảy ra.
Nhiều nhận định cho rằng, thiên tai năm nay ảnh hưởng đến nông nghiệp còn nặng nề hơn nhiều lần so với trận lũ lịch sử năm 1999. Năm đó, lụt mấy ngày xong nước rút thì trời nắng trở lại, người dân mang giống và lương thực dự trữ ra phơi, ươm chiết… cứu vớt được phần nào; còn năm nay hết thiên tai thì mưa lạnh cứ tiếp diễn, giống và lương thực không phục hồi được nên gần như mất trắng. Thiệt hại do mưa lũ đã làm thiếu hụt lượng giống để cung ứng cho sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021.
Sản xuất vụ đông xuân năm nay còn đối mặt với tình trạng ruộng đồng bị vùi lấp, hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100/242 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp; nhiều hệ thống kênh mương bị xóa sổ hoàn toàn…
Để khắc phục thiệt hại do thiên tai, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất, Chính phủ và Bộ NN & PTNT đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp; trong đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại kịp thời khôi phục đời sống, sản xuất ban đầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo triển khai hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt một cách thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, trường học, khôi phục lại sản xuất, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng nhằm sớm ổn định lại cuộc sống và sản xuất của người dân.
Tại Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai, được tổ chức mới đây tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cần đánh giá lại toàn bộ mọi mặt của đợt thiên tai lịch sử vừa qua một cách khoa học nhất để đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với biến đổi khí hậu; từ đó, xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khí hậu là bình thường…
Thực tế cho thấy, các đợt lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi, làm hư hỏng một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp của người dân, nên nguy cơ thiếu thốn trong thời kỳ giáp hạt rất dễ xảy ra. Để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, trước mắt cần tập trung khắc phục những khó khăn về nguồn giống, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, sự bất lợi của thời tiết… nhằm đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân này đạt kết quả, góp phần duy trì an sinh xã hội, tạo đà để phát triển hiệu quả những vụ mùa tiếp theo.
Đặng Thành