ClockThứ Tư, 17/05/2017 08:36

Không chỉ cho viễn thông

TTH - Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được công bố. Đây là động lực không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả cho hạ tầng viễn thông, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội mà còn tạo mỹ quan cho đô thị cũng như đảm bảo an toàn cho người dân.

Hạ tầng viễn thông thụ động là nhà, trạm, cột, cống, bể... được sử dụng để lắp đặt thiết bị viễn thông. Những năm gần đây, hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng, với 837 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 1.257 trạm thu phát sóng di động. Bên cạnh những mặt tích cực, hạ tầng viễn thông vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là trong quy hoạch, móc nối đường dây. Tại một số địa bàn, trạm thu phát sóng di động được lắp với mật độ dày ảnh hưởng không nhỏ đến không gian đô thị và sức khỏe của người dân. Trên các tuyến đường, dây truyền dẫn chằng chịt như mạng nhện, có khi sà xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… Mặc dù, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phát triển hạ tầng viễn thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố và ngành chức năng đã tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm nhưng xem ra vẫn không xuể.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hạ tầng viễn thông thụ động chưa đảm bảo, thiếu tính quy hoạch. Đơn cử như không được ngầm hóa, lại không có trụ viễn thông riêng thì nhà cung cấp buộc phải treo dây thuê bao chằng chịt vào trụ điện, cây xanh cho khách hàng chứ không còn cách nào khác. Nếu xử lý thì không những ảnh hưởng đến nhà cung cấp mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm các tỉnh thành dẫn đầu về hạ tầng viễn thông thụ động tiên tiến, hiện đại của cả nước. Theo đó, ngầm hóa cáp viễn thông, truyền hình đạt trên 80% ở TP Huế, các khu đô thị mới, khu công nghiệp và trên 50% ở các trung tâm huyện, thị xã; đảm bảo phủ sóng toàn tỉnh và gia tăng sử dụng dịch vụ viễn thông. Đến năm 2030 ngầm hóa 90% mạng cáp viễn thông và truyền hình tại các trung tâm đô thị lớn toàn tỉnh, tăng cường phủ sóng mạng internet không dây…

Đây là công việc khá nặng nề, ngoài sự nỗ lực của các nhà cung cấp đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền quyền các cấp, các sở ban ngành và các cơ quan liên quan; đặc biệt trong việc tạo mặt bằng, định hướng quy hoạch đảm bảo thi công hạ tầng viễn thông thụ động một cách bền vững. Trong ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông cần tranh thủ các dự án giao thông, thoát nước đang triển khai để thi công, nhằm hạn chế sự đào xới sau này ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vị thế của hàng Việt ngày càng được nâng cao

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng thế giới tin tưởng.

Vị thế của hàng Việt ngày càng được nâng cao
Mở rộng cao tốc La Sơn- Hòa Liên lên 4 làn xe

Đó là thông tin được lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Dự án (DA) đường Hồ Chí Minh thông tin sáng 28/4, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư DA mở rộng cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn La Sơn-Hòa Liên.

Mở rộng cao tốc La Sơn- Hòa Liên lên 4 làn xe

TIN MỚI

Return to top