ClockThứ Bảy, 25/06/2016 05:56
G QUANH NẠN LÂM TẶC “HOÀNH HÀNH” RỪNG THƯỢNG QUẢNG, ÔNG NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH:

Kiểm tra, xử lý nghiêm

TTH - Sau khi Báo Thừa Thiên Huế ngày 17/6 phản ánh về thực trạng phá rừng trên địa bàn xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xung quanh vụ việc này.

Lâm tặc “hoành hành” rừng Thượng Quảng

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết: Ngày 23/6, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, chính quyền địa phương và Ban QLRPH Nam Đông. Theo đó, yêu cầu Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH Nam Đông kiểm tra các tiểu khu gần khu vực xã Thượng Quảng để tìm hướng xử lý và có những giải pháp ngăn ngừa. Trước đây, có rất nhiều điểm nóng về khai thác rừng trái phép, bây giờ đã giảm bớt. Việc chặt phá rừng chủ yếu nằm ở địa phận do Ban QLRPH Nam Đông quản lý, đó là những khu rừng còn giàu.

Ngay trên tuyến đường khai thác gỗ tự nhiên (nay được dùng khai thác gỗ rừng kinh tế) thuộc tuyến đầu của xã Thượng Quảng và trên địa bàn huyện Nam Đông, có khá nhiều trạm, chốt của Hạt Kiểm lâm, BQLRPH Nam Đông “chốt chặn”, vậy tại sao thực trạng phá rừng vẫn diễn ra?

Hệ thống trạm kiểm lâm trước đây đến bây giờ đã cũ, chưa thay đổi ngoại trừ hai trạm có sào chắn, do vậy không còn phù hợp với mạng lưới giao thông mới. Chúng tôi đang xây dựng phương án rà soát lại hệ thống trạm kiểm lâm và sắp xếp cán bộ công chức của lực lượng kiểm lâm theo các trạm này. Về phương án, các tuyến rừng, tuyến đường, khu vực sẽ đảm bảo một hệ thống quản lý khép kín để tăng nguồn lực và giám sát lẫn nhau. Đó là cách để các nhân viên hợp đồng được kéo vào trách nhiệm. Chủ yếu giữ được diện tích rừng phòng hộ. Nếu không thay đổi thì khó kiểm sát.

Việc bố trí lực lượng kiểm lâm ở Nam Đông nói chung và Thượng Quảng nói riêng đã đáp ứng đủ yêu cầu quản lý, bảo vệ rừng chưa thưa ông?

Với diện tích rừng giàu, nhiều gỗ kiền, Ban QLRPH Nam Đông cần tăng cường, củng cố lại lực lượng bảo vệ rừng, nếu không quản lý được phải chịu trách nhiệm. Riêng lực lượng kiểm lâm địa bàn này đang thiếu và đa số lớn tuổi.

Khi thực hiện công tác tuần tra, lực lượng của BQLRPH Nam Đông không có công cụ hỗ trợ, nên có trường hợp lâm tặc không chấp hành, chống đối. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Theo quy định của Bộ Công an, lực lượng của Ban QLRPH chỉ có thể sử dụng dùi cui, chứ không có công cụ hỗ trợ nào khác. Nếu phát hiện việc khai thác gỗ trái phép chỉ bắt giữ chứ không có quyền xử lý. Tang vật phải được bàn giao lại cho kiểm lâm tiến hành các trình tự thủ tục pháp lý sau đó bán đấu giá tài sản…

Thực tế không riêng gì Ban QLRPH, lực lượng kiểm lâm cũng hạn chế về quyền xử lý. Thông thường, lực lượng kiểm lâm phải kết hợp với công an, quân đội để tham gia truy quét, bắt các đối tượng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ vụ nào gỗ khai thác với khối lượng lớn theo quy định, kiểm lâm sẽ tiến hành khởi tố. Theo đó, nếu tổ chức khai thác trái phép gỗ thông thường trên 20 khối, rừng đặc dụng từ 10 khối gỗ, rừng phòng hộ từ 15 khối trở lên, phá rừng với diện tích trên 5.000m2 sẽ bị khởi tố.

Các đối tượng phá rừng chủ yếu người địa phương Thượng Quảng dùng phương tiện xe “độ”, vậy ngành kiểm lâm đã có chế tài gì với các đối tượng, phương tiện này?

Hiện nay, các đối tượng khai thác gỗ trái phép ở Nam Đông có cách thức vận chuyển gỗ rất nguy hiểm đó là sử dụng xe độ chế và các đối tượng này rất manh động nhằm tìm mọi cách tẩu thoát. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Nam Đông đã bắt, thu giữ các phương tiện này. Tuy nhiên, việc xử lý xe độ chế rất nan giải.

Chúng tôi chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các xe độ chế và báo cáo rà soát lại để yêu cầu chính quyền địa phương giám sát. Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Ông nghĩ như thế nào về thông tin ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt KL Nam Đông cho rằng, cán bộ của BQLRPH Nam Đông (đơn vị chủ rừng) “nhận vài chục nghìn” của các đối tượng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn xã Thượng Quảng để được cho qua?

Nếu phát hiện có dấu hiệu chung chi, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. 

Theo tôi, việc Ban QLRPH Nam Đông nhận nhân viên hợp đồng cần biết lựa chọn người có đủ đạo đức cũng như năng lực và lòng yêu nghề. Những khu vực nhạy cảm cần bố trí, điều phối hợp lý những người biên chế, đảng viên còn nhân viên hợp đồng hỗ trợ.

Việc anh Trai nói như báo phản ánh chắc chắn các anh có cơ sở mới viết, trong ngữ cảnh đó, chắc anh Trai nghĩ “có thể những nhân viên hợp đồng dễ làm như thế”, đó là suy nghĩ của anh Trai.

Nguyên nhân để xảy ra vụ việc phá rừng trên địa bàn xã Thượng Quảng và giải pháp thời gian tới của ngành kiểm lâm như thế nào để kiểm soát thực trạng này, thưa ông?

Về việc Báo Thừa Thiên Huế phản ánh nhiều chiếc xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ ra khỏi rừng ngay giữa ban ngày, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Nam Đông án ngữ tại khu vực lâm tặc vận chuyển gỗ và làm việc với chính quyền địa phương, kiểm tra các xưởng cưa, ngay cả xưởng cưa của ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND Thượng Quảng bằng cách lắp đặt các camera giám sát.

Chúng tôi sẽ làm việc với lãnh đạo địa phương và làm rõ trách nhiệm của của chính quyền trong việc quản lý bảo vệ rừng (ông Tuấn đưa ra ví dụ, Hạt Kiểm lâm ở A Lưới có nghị quyết tham mưu về quản lí bảo vệ rừng năm 2012). Tại Nam Đông, chúng tôi chỉ đạo làm thế nào để ra được nghị quyết tham mưu như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp ủy.

Ban QLRPH Nam Đông cần cũng cố lại lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Nếu thiếu thì yêu cầu bổ sung, trường hợp không bổ sung, khi có vấn đề gì xảy ra phải chịu trách nhiệm. Lực lượng kiểm lâm chỉ phát hiện và ngăn ngừa, chúng tôi sẽ rà soát, sắp xếp, luân chuyển lại lực lượng cán bộ kiểm lâm.

Sắp tới, chúng tôi tăng cường lắp đặt các camera ở các trạm kiểm lâm trọng yếu nhằm giám sát chặt chẽ và truy xuất được bằng hình ảnh. Để giữ rừng tận gốc, kiểm lâm khi kiểm tra rừng phải có biên bản báo cáo, đi phải có định vị GPS.

QUỲNH VIÊN – HÀ NGUYÊN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp nạn khi truy quét lâm tặc

Trong lúc truy đuổi lâm tặc, một cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy (BQLRPH Hương Thủy) không may gặp nạn, dẫn đến chấn thương nặng ở đầu gối.

Gặp nạn khi truy quét lâm tặc
Giảm số vụ phá rừng A Lưới

Sau nhiều vụ phá rừng trên địa bàn huyện A Lưới liên tiếp diễn ra, các lực lượng kiểm lâm (KL), bảo vệ rừng (BVR) siết chặt hơn trong quản lý bằng nhiều chuyến tuần tra ngày đêm tại các điểm nóng.

Giảm số vụ phá rừng A Lưới
Giải pháp nào để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả?

Phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, chính quyền địa phương, người dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ là một trong những giải pháp để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả - theo ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.

Giải pháp nào để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả
Huyện A Lưới thông tin bước đầu kiểm tra vụ “cắt xén” tiền bảo vệ rừng

Tối 23/4, thông tin từ đại diện UBND huyện A Lưới trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày 23/4, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin việc sử dụng kinh phí theo nội dung Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ tại xã Hồng Thủy trước thông tin phản ánh có tình trạng “cắt xén” tiền bảo vệ rừng.

Huyện A Lưới thông tin bước đầu kiểm tra vụ “cắt xén” tiền bảo vệ rừng
Return to top