ClockThứ Sáu, 25/10/2019 15:24

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hai luồng ý kiến khác nhau về số lượng cấp phó Hội đồng Nhân dân

Sáng 25/10, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội còn nhiều quan điểm khác nhau về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Quốc hội thảo luận về bộ máy hành chínhĐề xuất cắt giảm lương hưu, chế độ chính sách đối với người bị xóa tư cách chức vụKỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện phòng, chống tham nhũngKỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứcTiếp thu, chỉnh lý nhiều điểm trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Đa số đại biểu thống nhất việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau. Đối với HĐND cấp huyện, nhiều ý kiến tán thành giảm số lượng cấp phó.

Tuy nhiên, đối với HĐND cấp tỉnh, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành gồm 2 phó chủ tịch HĐND, song, cũng có đại biểu đề nghị quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí một phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Tán thành với việc quy định thường trực HĐND cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch hoạt động chuyên trách như hiện hành, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhận định, khối lượng công việc của HĐND cấp tỉnh rất lớn, công việc phức tạp, do vậy càng phải bảo đảm cơ cấu của HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với địa phương. Hơn nữa, chủ tịch HĐND thường hoạt động kiệm nhiệm, nhân sự luôn biến động, nếu căn cứ vào điều kiện chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách hay không chuyên trách để xác định số lượng phó chủ tịch HĐND thì tổ chức của thường trực HĐND không ổn định, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐND.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), cấp tỉnh nên có hai phó chủ tịch HĐND chuyên trách, không phụ thuộc chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm, vì lý do định hướng của Đảng hiện nay trong việc bố trí nhân sự dự kiến bí thư sẽ kiêm chủ tịch UBND hoặc HĐND, đa số bí thư sẽ là chủ tịch HĐND. Còn lại có những trường hợp khác chuyên trách là tình huống cán bộ thì không phổ biến, không kéo dài.

"Thực tế việc giám sát đòi hỏi chuyên môn cao, với hai vị trí phó chủ tịch này mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát, khi đó mới có hiệu quả", ông nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, ông có tư duy khác, trong hai phó chủ tịch HĐND,  có thể bố trí một người làm phó Đoàn đại biểu Quốc hội, như vậy sẽ tiết kiệm nhân sự. "Quan trọng nhất là vị này có nhiều ý kiến, chất liệu, nguyện vọng nhân dân. Vị này có nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ Quốc hội về tổ chức chỉ đạo, triển khai, cung cấp thông tin. Trong tương lai ba văn phòng sẽ sáp nhập nên đại biểu này là rất phù hợp, nên gọi là đại biểu chuyên trách dân cử", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu.

Ông cho rằng, có thể Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh quy mô lớn có đặc thù riêng. "Tôi từng là phó đoàn, nếu tham gia với địa phương càng sâu, càng kỹ thì hoạt động càng hiệu quả, càng đóng góp được nhiều cho Quốc hội và nhân dân", theo đại biểu.

Về phó chủ tịch HĐND cấp huyện, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng dứt khoát phải giảm một, chỉ còn một phó. Phân tích Điều 25 dự luật là trưởng ban đại biểu HĐND có thể là chuyên trách, còn phó trưởng ban đương nhiên là chuyên trách sẽ dẫn đến có ban của HĐND cấp huyện có hai chuyên trách, rất khó cho địa phương, đại biểu đề nghị sửa điều này là trưởng ban hoặc phó ban HĐND cấp huyện có một người chuyên trách.

"Khi bàn vấn đề giảm hay tăng chuyên trách nhưng giảm chỗ nào cần giảm, giữ chỗ nào cần giữ. Quan trọng nhất là phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút những người tài tham gia HĐND các cấp. Đây mới là gốc của vấn đề, bàn về tăng hay giảm biên chế cũng không giải quyết được vấn đề, chứ không thì nhiều nơi người ta gọi là nghị gật, là đại biểu không hiểu vấn đề gì, họp thì không phát biểu được, nhân dân thì nóng, đại biểu thì lạnh", đại  biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh), tinh gọn bộ máy, biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, việc này cả hệ thống chính trị đều phải làm, tuy nhiên, không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ nhiệm vụ từng cơ quan, nơi nào không tương ứng thì giảm hoặc tăng để phù hợp với nhiệm vụ mà cơ quan đó được giao. Để nâng cao năng lực cơ quan dân cử, để thực quyền, đủ lực thực hiện nhiệm vụ, cần xem lại các cấp cho hợp lý, có nơi cần giảm nhưng có nơi phải tăng. Nhất trí với quy định về số lượng đại biểu HĐND như dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, phải tăng đại biểu chuyên trách để cơ quan dân cử hoạt động chuyên nghiệp, tiến tới tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của cơ quan dân cử.

Đại biểu đề nghị tăng biên chế chuyên trách HĐND cấp tỉnh, thường trực các ban HĐND phải đủ lực hoạt động nên phải tính toán số lượng cấp phó phù hợp. Chủ tịch HĐND tỉnh có thể chuyên trách hoặc không tùy thuộc tình hình cụ thể, nhưng phải có 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. "Nếu Quốc hội thấy khó quá về biên chế thì cũng không nên cào bằng các tỉnh. Những thành phố lớn, tỉnh có đông dân số thì số lượng đại biểu HĐND đông, luật cần có độ mở nhất định và không nên cào bằng", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất.

Theo đó, bà cũng đề nghị không quy định cào bằng số lượng phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh. Ví dụ được đại biểu này đưa ra là ở Thành phố Hồ Chí Minh có 2 phó trưởng ban chuyên trách là cần thiết, nếu giảm đi sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của các ban chuyên trách, hoạt động thẩm tra, giám sát. Bên cạnh đó, Luật lần này nên có quy định về thẩm quyền tổ chức giải trình của các ban HĐND cấp tỉnh. Các ban có thẩm quyền lớn, phụ trách nhiều nội dung, những vấn đề phát sinh tại địa phương không nhất thiết phải là thường trực HĐND đứng ra giải trình mà các ban giải quyết. Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc giao cho ban tổ chức giải trình cho thấy tính kịp thời cao, giải quyết được vấn đề cụ thể.

Cho rằng tổ chức bộ máy là một yếu tố quan trọng để bảo đảm nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nghiên cứu sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đảm bảo hiệu lực, thực quyền của HĐND.

Thảo luận về sửa đổi các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như dự thảo Luật; cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ (như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành) mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Luật giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đẩy mạnh phân cấp cho người đứng đầu chính quyền địa phương là hợp lý. Mặc dù quy định như vậy sẽ dẫn đến việc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện không thống nhất chung cả nước, song, ở nước ta một số vùng miền có đặc thù riêng, tùy thực tiễn, địa phương sẽ bố trí cơ quan chuyên môn phù hợp không ngoài khung cho phép của Chính phủ giao.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường

Ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường và ở tổ các Dự án Luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:
Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 8 dự án luật

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Điện lực (sửa đổi).

Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 8 dự án luật
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:
Ngày 26/10: Quốc hội thảo luận tổ về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở tổ về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Ngày 26 10 Quốc hội thảo luận tổ về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội
Return to top