Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chiều 2/1
Phát triển toàn diện
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt 7,76% (cao hơn bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/12 khu vực miền Trung). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5%.
Thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư, hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ, gắn kết giữa văn hoá với du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, từng bước khẳng định là đô thị du lịch văn minh, thân thiện, xanh sạch...
Tuy vậy, Thừa Thiên Huế chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát triển. Du lịch là thế mạnh của Tỉnh nhưng đóng góp chưa tương xứng; du lịch, dịch vụ chiếm gần 57% trong GRDP nhưng chỉ đóng góp 15% vào ngân sách địa phương; lượng khách lưu trú còn thấp; thời gian lưu trú giảm và ngắn (1,8 ngày).
Môi trường đầu tư vẫn ở mức trung bình; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 23/63; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp thứ 42/63 là còn thấp; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao; chưa thiết lập được mối liên kết hiệu quả với các tỉnh trong khu vực miền trung và các vùng khác.
Lấy du lịch làm nền tảng
Thủ tướng đồng ý về chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD và đầu tư kinh doanh casino của dự án Laguna Lăng Cô
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Huế là vùng đất văn hóa, lịch sử, có truyền thống hiếu học, là cố đô của Việt Nam; có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên nằm trong khu vực miền Trung với nhiều di sản như: Phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, các hang động ở Quảng Bình. Vì vậy, con đường phát triển thịnh vượng, đi lên của tỉnh là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh phải xác định phương hướng phát triển đặc thù, khác biệt với các đô thị, thành phố khác trong cả nước; phấn đấu nâng cao tốc độ tăng trưởng, thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tăng cao số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, thực hiện tốt các quy hoạch được phê duyệt; giữ gìn bản sắc Huế, giữ gìn cảnh quan hai bờ sông Hương; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; khai thác lợi thế so sánh với các địa phương khác nhưng không mâu thuẫn với định hướng, mục tiêu phát triển.
Đồng thời tập trung phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch. Có giải pháp hiệu quả tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn, đặc biệt các sản phẩm thu hút khách du lịch về đêm, tăng chi tiêu của du khách, tăng thời gian lưu trú.
Thủ tướng làm việc với Đại học Huế và trồng cây lưu niệm tại đây
Bên cạnh đó, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể và phi vật thể; Tổ chức các kỳ Festival ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; Phát huy giá trị các bảo tàng trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cần quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khắc phục hạn chế, cải thiện các chỉ số còn thấp như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI). Lãnh đạo tỉnh phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Liên kết chặt chẽ với Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp để phối hợp thực hiện đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò, đóng góp của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện tốt phương châm hành động của Chính phủ về tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường đầu tư, môi trường văn hóa, môi trường sống. Triển khai tốt các giải pháp bảo đảm môi trường du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn.
Tỉnh Thừa Thiên Thuế cũng cần quan tâm, chăm lo tết Mậu Tuất sắp đến cho nhân dân, nhất là đối với người có công, gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc.
Cơ bản thống nhất các kiến nghị, đề xuất
Thủ tướng tặng lãnh đạo tỉnh quà lưu niệm với mong muốn phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2018
Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý về chủ trương và giao cho tỉnh làm việc với các bộ ngành để đề xuất lên Thủ tướng.
Trong đó, đáng chú ý là chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD và đầu tư kinh doanh casino của dự án Laguna Lăng Cô; bổ sung quy hoạch thêm 2 sân gofl; quy hoạch vườn quốc gia Vạch Mã; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài; gia hạn hiệp định vay vốn dụ án cải thiện môi trường nước TP. Huế; ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thiện Đại học Huế; nâng cấp trường Cao đẳng Huế thành Học viện Công nghiệp; giải tỏa khu vực I di tích Huế.
Bài, ảnh: Thái Bình