Mặc dù Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần tìm hiểu các thông tin về dịch COVID-19 qua các kênh truyền thông chính thức của Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống; mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt không ít người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Ít đi và có vẻ thận trọng hơn, không có các dạng tin kiểu như chỗ này hay chỗ kia vừa có ai/gia đình nào bị khoanh vùng cách ly hay ăn trứng vịt có thể chữa được COVID-19… người ta vẫn có thể đọc được những thông tin được đăng tải một cách mù mờ, những status bỏ lửng, dễ mang đến sự hoang mang cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người. Riêng tại Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 16/3, cơ quan công an cũng đã xử lý 4 trường hợp tung tin thất thiệt trên facebook.
Nhưng cũng cần phải nhận thấy rằng, các cơ quan chức năng có thể xử lý ngay lập tức đối với các thông tin đồn nhảm, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng đến tâm lý an sinh và sự phát triển của cộng đồng. Điều này sẽ gây hại đến doanh nghiệp, đến sản xuất của người dân và thậm chí là cả một nền kinh tế nào đó khi những thông tin sai lệch được phát đi từ một địa chỉ mạng xã hội , được người ta chia sẻ dễ dàng qua những cú nhấp chuột, copy link… chứ không đơn thuần là những lời ghé tai, thì thào nữa. Đây là điều đã không ít nhãn hàng, cơ sở sản xuất thấm đòn. Thời báo Kinh tế Sài Gòn số gần đây cũng đã đề cập đến điều này qua việc thị trường chuối của Trung Quốc giảm tới 90% chỉ vì một tin đồn kỳ quái, thiếu căn cứ và 20 triệu nhân dân tệ (2,6 triệu USD) là khoản mà thị trường này đã mất đi mỗi ngày. Mặc dù được đính chính kịp thời, nhưng chỉ trong 10 phút, giá cổ phiếu của Apple đã rớt 10% khi người ta đồn người sáng lập và CEO Steve Jobs bị đau tim vào năm 2008.
Trên thực tế, còn rất nhiều kiểu thông tin khác dạng tin đồn, thông tin một chiều về một vấn đề, sự việc, hành động và cá nhân một ai đó và người ta không làm cách nào để phản hồi hoặc thanh minh được. Ảnh hưởng tiêu cực của việc này là không nhỏ đối với những cá thể nếu họ không đủ nội lực, không đủ nghị lực và cả sự kiên định để đối mặt. Thậm chí, ngay cả khi những sự việc nào đó là có thật, nhưng qua các thông tin được bấm từ điện thoại, hay gõ từ bàn phím, nút share trên các trang mạng, sự việc đã bị đẩy lên, thổi phồng ra khiến nhiều người bị ảnh hưởng đến công việc, gia đình, con cái và các mối quan hệ xã hội khác. Từ mệt mỏi, chán nản, nhiều người đã chuyển sang trạng thái trầm cảm và dễ dẫn đến tự tử nếu không có hoặc không được người thân theo sát. Điều này cũng đã được đề cập đến không ít trong thời gian qua.
Dù có thể biết về dạng thức này, song không phải ai cũng có thể lường trước được một kịch bản nào đó khi tin xấu, tin giả, tin thất thiệt lại “rơi’ xuống đầu mình để chủ động được việc xử lý khủng hoảng. Vấn đề là ở chỗ, việc lan truyền tin xấu, tin tiêu cực lại đang dễ bề xâm nhập vào đời sống. Hiểu theo một cách nào đó, theo tôi, nó cũng là một sự lây nhiễm khác và là lây nhiễm chéo đáng sợ trong đời sống hiện nay.
Thế nên, điều cần thiết phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng tiếp nhận và văn hóa ứng xử của con người khi mà thế giới mạng có vô khối điều thiếu và rất khó được kiểm chứng.
MINH HÀ