|
|
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Theo các chuyên gia, chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng rất thiết thực, kịp thời gỡ khó ngay những vướng mắc trong thực tế.
Do vậy, kỳ vọng của các chuyên gia là Nghị quyết về chuyên đề giám sát của Quốc hội phải thực sự đột phá, khả thi và có hiệu quả trong 5 năm tới. Nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội nên ngắn gọn, không trùng lắp, có địa chỉ và giải pháp rõ ràng, cụ thể. Theo đó, cần tập trung khắc phục hạn chế chính yếu, đó là người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế cơ sở dẫn đến tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến. Cơ chế tài chính và giá chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.
Các chuyên gia khuyến nghị, phải thực hiện kiện toàn y tế cơ sở, y tế dự phòng bằng cách tạo bước đột phá về cơ chế tài chính, tổ chức bộ máy, trang thiết bị cơ sơ sở vật chất. Giao HĐND các tỉnh, thành phố giám sát việc ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi tối thiểu 30% cho y tế dự phòng. Qua thực tế giám sát cho thấy, nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Ở góc độ tiếp cận y tế cơ sở có nhân lực, vật lực, nhưng thiếu động lực, có ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay nếu cứ để y tế cơ sở chỉ cấp phát thuốc, tiêm vaccine thì không thể nâng cao chất lượng nhân lực. Hãy trao cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đúng vai trò, nhiệm vụ của họ, đó là các hoạt động chuyên khoa, dự phòng, nâng cao sức khỏe người dân. Mỗi trạm y tế xã nên được trang bị đủ thuốc, thực hiện các gói xét nghiệm cơ bản, theo dõi lao, hen phế quản, bệnh khớp, cao huyết áp, đái tháo đường… Khi chất lượng trạm y tế xã được nâng cao, người dân mới tin tưởng, yên tâm đến trạm y tế xã.
Khẳng định các ý kiến phát biểu của chuyên gia rất tâm huyết, trách nhiệm, bổ ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ trong quá trình Đoàn giám sát của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát.
Về phía Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục rà soát, thống nhất số liệu, báo cáo Đoàn giám sát; đồng thời, tiếp tục bám sát đúng nội dung, phạm vi, yêu cầu là giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid - 19, chứ không phải tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid - 19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2017 - 2022, chứ không phải chiến lược, chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo chuyên đề giám sát theo hướng: đánh giá đầy đủ kết quả, thành tựu nổi bật, tồn tại, hạn chế (trong chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực, giao việc nhiều nhưng nguồn lực chưa tương xứng, công tác phối hợp…). Xác định rõ trách nhiệm; tìm ra nhiệm vụ, giải pháp và phân công tổ chức thực hiện.