Đến cuối tháng 8, Thừa Thiên Huế đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 50%, nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Dù chưa phải là top đầu, bởi có đến 10 địa phương khác và 2 cơ quan Trung ương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 70%, nhưng với kết quả giải ngân nêu trên đã cho thấy những tín hiệu tích cực từ công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Đó cũng là một trong những thông tin nổi bật được nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vừa diễn ra đầu tuần này.
Có thể nói, để có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như trên đã có sự vào cuộc tích cực và sự chỉ đạo, điều hành, đốc thúc kịp thời của Chính phủ, các tổ công tác của Chính phủ và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, chủ đầu tư các dự án… Tuy vậy, để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn nữa, nói như Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công là cần sự quyết liệt hơn nữa, cố gắng hơn nữa từ các cấp bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư… Vì vai trò quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, thành lập nhiều tổ công tác để đốc thúc tiến độ đầu tư công. Và thực tế đã chứng minh, khi có sự quyết liệt từ Chính phủ đã tạo được “áp lực nước rút” đối với các địa phương, ban ngành trong việc đạt tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Vì thế mới có những con số đáng khích lệ như trên và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt còn góp phần quan trọng trong việc phục hồi kinh tế, là cú hích giúp kinh tế phát triển. Trong báo cáo dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố mới đây cho thấy, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi tốt nhất trong khu vực. Theo WB, Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng ấn tượng là 7,2%, dù trước đó hồi đầu tháng 4, họ chỉ dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam chỉ là 5,3%. Ngoài sự phục hồi tốt của các ngành sản xuất thì sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, trong đó có sự quyết liệt về chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần quan trọng giúp kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tốt sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Dù vậy, không phải địa phương, ngành nào cũng có sự tăng trưởng tốt cũng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đảm bảo tiến độ. Vẫn còn 14 cơ quan, ban ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Rõ ràng, những địa phương, ban ngành này phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này, song sự ảnh hưởng chung đến nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Thừa Thiên Huế dù đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 8 là 50,2%, tuy nhiên, về từng nguồn vốn cụ thể vẫn còn đạt tỷ lệ thấp. Ví như vốn nước ngoài (ODA) tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 33,8% kế hoạch, vốn được bổ sung trong năm và vốn kéo dài từ năm trước sang giải ngân được hơn 381 tỷ đồng/1.733 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia vừa được giao kế hoạch vốn cho 3 chương trình hơn 346 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa có số liệu giải ngân.
Từ bây giờ cho đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa. Đây lại là thời điểm mưa bão triền miên. Huế cũng vừa trải qua cơn bão số 4. Dù không có nhiều thiệt hại, song việc thi công công trình chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng, về cả lụt bão. Thế nên, sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nghiệm thu, hoàn công… dẫn đến ảnh hưởng tiến độ giải ngân. Nếu không sớm có những giải pháp quyết liệt hơn nữa thì những tháng cuối năm sẽ khó đạt con số ấn tượng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như vừa qua, từ cuối tháng 7 là 34,8% lên hơn 50% vào cuối tháng 8/2022.
TÂM HUỆ