ClockThứ Tư, 03/07/2019 09:45

Lửa đã cháy và rừng đã mất

TTH - Với người dân sống ở gần các bìa rừng thuộc các xã Thủy Phương, Thủy Châu (thị xã Hương Thủy), Hương Hồ (thị xã Hương Trà) thì những ngày cuối tháng 6 vừa qua là những ngày sống trong thắc thỏm, lo âu. Chỉ trong mấy ngày mà 82 ha rừng đã bị cháy, đưa con số cây rừng đã mất từ đầu năm đến nay lên trên 100 ha.

Nhưng đó không chỉ là nỗi lo âu riêng của người dân ở địa bàn xảy ra cháy rừng mà còn là nỗi lo chung của người dân toàn tỉnh. Hơn 1.500 người thuộc các lực lượng và người dân đã được huy động để cùng nhau miệt mài dập lửa. Đó cũng là những ngày mà người dân hướng về khúc ruột miền Trung nhiều nhất khi tình trạng cháy rừng còn khủng khiếp hơn ở dãy núi Hồng Lĩnh thuộc các xã Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Hơn 30 ha rừng thông, keo, bạch đàn ở đó bị cháy rụi cũng mới chỉ là thống kê ban đầu. Tôi đọc ở đâu đó, trên mạng xã hội, những người con quê Hà Tĩnh và không phải Hà Tĩnh đã xót xa đặt câu hỏi chẳng lẽ Ngàn Hống hết cây? Những câu cảm thán bất lực khi giặc lửa vẫn chưa bị đẩy lùi. Cả những rưng rưng nước mắt khi chứng kiến những gương mặt của chiến sĩ, người dân lăn xả để cứu cây, cứu rừng ở Huế, Hà Tĩnh…

Ngay cả khi cơn mưa chiều 1/6 được xem là "mưa vàng", cứu những cánh rừng ở các địa bàn trên và mang đến chút nhẹ nhõm cho cuộc chiến với giặc lửa, thì cũng là lúc, lửa lại bùng phát ở hai xã Phổ Cường và Phổ Khánh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi). Đồng nghiệp của chúng tôi đưa tin, ước tính cũng đã có hàng chục ha bị thiêu rụi.

Cho đến thời điểm này, lửa rừng ở Đức Phổ cũng đã được khống chế. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó cũng chỉ là quãng nghỉ và không ai, ở bất cứ địa bàn nào có thể ngừng đề phòng giặc lửa. Nhất là khi dự báo thời tiết cho hay nhiệt độ có giảm. Một số vùng trong tuần sẽ có mưa. Nhưng “nắng mưa là chuyện của trời”, diễn tiến thời tiết vẫn rất khó lường và nguy cơ cháy rừng vẫn có thể xảy ra khi nắng nóng, hanh khô và đang trong thời điểm hoành hành của gió phơn tây nam ở khu vực bắc miền Trung. Không ai có thể quên, có thể chỉ vì một chút bất cẩn khi châm một ngọn lửa nhỏ đã dẫn đến khó cứu cả những cánh rừng lớn khi lớp thực bì quá dày, trời khô nỏ và nguồn nước ở xa, lực lượng ứng cứu dù đã nỗ lực hết mình cũng không thể tiếp tế nhanh và đủ. Cũng chỉ vì lý do bất cẩn và cơ bản là đến từ sự kém hiểu biết, hoặc nhận thức không đầy đủ mà chiều 1/7 vừa qua, một người ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, theo điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ vì bất cẩn khi  gom rác ở khu vườn sát chân núi và châm lửa đốt. Để rồi sau đó, đám cháy lan ra diện rộng.

Rõ ràng đầu tiên và trước hết, phải là ý thức của người dân và nhận thức về trách nhiệm của người dân đối với việc giữ rừng ở nhiều phương diện, thời điểm và tình huống, thời tiết khác nhau. Không ai có thể làm thay và chịu trách nhiệm thay được cho hành vi thiếu ý thức của từng cá thể, dẫn đến hậu quả rộng và sâu cho cả một cộng đồng. Tuy nhiên cũng cần phải nhắc nhở và điều chỉnh lại công tác tuyên truyền và sự bảo vệ của đội ngũ của những người làm nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng. Ngay cả khi có những phương thức tác chiến hiện đại để làm nhiệm vụ phát hiện, ứng phó và cứu rừng, điều đầu tiên vẫn phải là ý thức cá nhân. Nếu không, lửa rồi cũng sẽ cháy và rừng cũng có thể sẽ còn mất…

Yên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gian nan giữ rừng mùa lũ

Bảo vệ rừng (BVR) vốn lắm gian nan, nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn khi các lực lượng phải băng rừng, vượt suối trong mùa mưa lũ để bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh”.

Gian nan giữ rừng mùa lũ
Phòng cháy, chữa cháy rừng vùng trọng điểm

Với diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng chiếm 1/3 diện tích rừng của tỉnh, bố trí trên vùng địa hình phức tạp, A Lưới luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng vào mùa nắng nóng.

Phòng cháy, chữa cháy rừng vùng trọng điểm
Lợi ích từ trồng và giữ rừng

Thời điểm này thời tiết ở Huế cũng như khu vực miền Trung nắng nóng, khô hạn hơn mọi năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Nền nhiệt độ cao dị thường có nguy cơ gây ra hệ lụy, như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; cây trồng giảm năng suất, chất lượng; xâm nhập mặn, tiêu hao năng lượng cũng nhiều hơn.

Lợi ích từ trồng và giữ rừng
Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trong điều kiện hiện nay.

Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
Return to top