ClockThứ Sáu, 16/08/2024 14:10

Gian nan giữ rừng mùa lũ

TTH - Bảo vệ rừng (BVR) vốn lắm gian nan, nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn khi các lực lượng phải băng rừng, vượt suối trong mùa mưa lũ để bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh”.

Thêm một động vật rừng quý hiếm được thả về môi trường tự nhiênQuà mưa xứ cátTrồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai

 Tuần tra bảo vệ rừng

Nhiều sự cố tai nạn

Dù xảy ra đã khá lâu, nhưng sự cố tai nạn trong lúc tuần tra rừng sâu đối với ông Lê Thanh Hướng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La (đóng trên địa bàn huyện A Lưới) vẫn còn hằn sâu trong tâm trí. Đó là những ngày mà ông Hướng cùng lực lượng kiểm lâm, BVR của đơn vị mắc kẹt trong rừng sâu do mưa lũ lớn, mực nước trên các con suối dâng cao, chảy xiết. Không chỉ gặp hiểm nguy trước nguy cơ sạt lở đất, lũ quét mà còn bị ướt lạnh, thiếu lương thực khiến cả nhóm kiểm lâm kiệt sức khi phải cố gắng thoát ra khỏi rừng.

Ông Hướng nhớ lại, sau khi nhận lệnh, ông cùng nhóm kiểm lâm viên của đơn vị phối hợp với các chiến sĩ Đồn Biên phòng 637 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức truy quét lâm tặc khai thác rừng tự nhiên trái phép tại vùng rừng giáp ranh giữa hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Trong lúc tuần tra, đoàn phát hiện một nhóm gồm 4 người có dấu hiệu khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép. Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng phát hiện một số cây gỗ bị đốn hạ. Đoàn kiểm lâm cùng với nhóm “lâm tặc” rời khỏi rừng bằng hai chiếc xuồng máy thì gặp mưa lớn ở thượng nguồn sông Hương, nước lũ lên nhanh và chảy xiết.

Các kiểm lâm cùng với “lâm tặc” cố gắng băng rừng, vượt suối về đến Trạm Kiểm lâm Tu Re trên đường 74 an toàn sau 10 ngày tuần tra. Riêng ông Hướng bị mắc kẹt tại đoạn khe A Cà trên thượng nguồn sông Hương do mưa lớn, nước sông dâng cao. Một ngày sau đó, ông Hướng mới được đưa ra khỏi rừng trong điều kiện bị kiệt sức, nguy hiểm đến tính mạng phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Mùa mưa lũ cũng là thời điểm mà “lâm tặc” lợi dụng lực lượng sơ hở, mất cảnh giác để vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã. Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm, BVR đã không ngại gian khó, tổ chức tuần tra rừng dài ngày trong điều kiện thời tiết bất lợi. Những chuyến tuần tra phải băng rừng, vượt suối, nguy cơ gặp tai nạn rất cao khi những trận mưa rừng kéo dài, lũ ống, lũ quét.

Ông Văn Thân, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) A Lưới kể, trong chuyến tuần tra tháng 10/2022, do mưa lũ kéo dài nên tổ tuần tra của đơn vị gồm 5 người đã mắc kẹt, đóng lán trại tại rừng 3-4 ngày, chờ mưa lũ giảm mới rút quân được. Trong khi đó, đơn vị không thể liên lạc được với tổ tuần tra, do vị trí tuần tra đa số ở trong rừng sâu, không có sóng điện thoại.

Chuyến tuần tra mùa lũ những năm trước, một số cán bộ BVR của BQLRPH A Lưới bị cành cây bất ngờ gãy rơi trúng người, rất may chỉ bị thương nhẹ. Và trước đó, nhiều nhân viên BVR của đơn vị trong lúc tuần tra qua các khe suối, leo núi do trời mưa, đường trơn bị trượt chân té ngã bị thương.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Thiếu lương thực, thực phẩm lúc tuần tra rừng khi gặp mưa lũ kéo dài cũng là điều mà lực lượng kiểm lâm, BVR thường xuyên phải đối mặt.

Nấu ăn trong rừng hết sức khó khăn do củi bị ướt, nguồn nước tại các khe suối bị đục, nhiễm bùn đất. Nhiều chuyến tuần tra rừng mùa mưa lũ, các lực lượng phải lưu lại trong lán trại ướt sũng, không thể ngủ được và thường ăn mì tôm sống, lương khô…, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngay cả việc nghe, xác định phương hướng qua âm thanh máy cưa gỗ của “lâm tặc” cũng khó hơn do sự lấn át của tiếng mưa lớn, gió rừng, tiếng suối và thác đổ.

Ông Văn Thân chia sẻ, diện tích quản lý của BQLRPH A Lưới khá rộng, trải dài từ địa bàn xã Hương Nguyên dọc Quốc lộ 49 đến Bốt Đỏ - A Đớt - A Roàng – đường 74, nằm trên địa bàn của 7 xã. Chỉ tính riêng chiều dài có khu dân cư sinh sống và đường giao thông, đường tiếp giáp với rừng trên 281km, có rất nhiều đường ra vào rừng. Lực lượng BVR kiểm tra vùng này thì các đối tượng lại lén lút khai thác vùng khác. Địa hình có nhiều núi cao, bị chia cắt mạnh, đi lại khó khăn, có nhiều tuyến đường giao thông, khe suối lớn nối liền với các địa bàn khác gây khó khăn trong công tác tuần tra, BVR.

Trong khi gặp muôn vàn khó khăn thì việc người dân vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng diễn biến ngày càng phức tạp khiến các lực lượng BVR chịu nhiều áp lực. Dân tại các xã sống ven rừng có một bộ phận thiếu việc làm, đời sống kinh tế khó khăn nên tìm mọi cách, kể cả mùa bão, lũ vẫn vào rừng khai thác lâm sản...

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ, nhiệm vụ của các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng đang ngày càng nặng nề, khó khăn hơn, nhất là hoạt động tuần tra, BVR trong mùa mưa lũ. Để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng tự nhiên, lực lượng BVR chuyên trách của các đơn vị chủ động tuần tra thường xuyên; phối hợp với kiểm lâm địa bàn, các đồn biên phòng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng khai thác gỗ. Đồng thời, tuần tra, giám sát và đẩy đuổi lâm dân ra khỏi rừng để hạn chế thấp nhất các vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân

Cùng với việc triển khai các phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN), TP. Huế đã làm việc với các doanh nghiệp (DN), ban quản lý các chợ và hộ kinh doanh để nắm danh sách dự trữ hàng hóa, kịp thời phân bổ khi có nhu cầu nhằm đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, đồng thời góp phần bình ổn thị trường khi có bão, lũ xảy ra.

Sẵn sàng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân
Phòng cháy, chữa cháy rừng vùng trọng điểm

Với diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng chiếm 1/3 diện tích rừng của tỉnh, bố trí trên vùng địa hình phức tạp, A Lưới luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng vào mùa nắng nóng.

Phòng cháy, chữa cháy rừng vùng trọng điểm
Lợi ích từ trồng và giữ rừng

Thời điểm này thời tiết ở Huế cũng như khu vực miền Trung nắng nóng, khô hạn hơn mọi năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Nền nhiệt độ cao dị thường có nguy cơ gây ra hệ lụy, như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; cây trồng giảm năng suất, chất lượng; xâm nhập mặn, tiêu hao năng lượng cũng nhiều hơn.

Lợi ích từ trồng và giữ rừng
Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trong điều kiện hiện nay.

Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

TIN MỚI

Return to top