|
Mùa nắng nóng, đốt thực bì gây nguy cơ cao cháy rừng trồng ở A Lưới |
Huyện A Lưới có diện tích rừng hơn 86,6 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 75,5 nghìn ha, còn lại là rừng trồng. Bên cạnh diện tích rừng trồng tương đối lớn, địa hình phức tạp, ảnh hưởng biển đổi khí hậu, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, người dân có tập quán đốt thực bì, đốt không theo quy định, đốt lửa lấy mật ong và một số nguyên nhân khách quan khác gây nguy cơ cháy rừng vào mùa nắng nóng rất cao.
Chỉ trong thời gian cao điểm nắng nóng (tháng 4/2024), trên địa bàn huyện A Lưới đã xảy ra 2 vụ cháy rừng liên tiếp với trên diện tích 3,5ha. Rất may các vụ cháy chưa gây thiệt hại về rừng. Cụ thể, ngày 17/4 tại tiểu khu 261 xã Hồng Vân và tiểu khu 257 xã Hồng Thủy (A Lưới) đã xuất hiện đám cháy trên diện tích 2ha rừng. Rất may, đám cháy xuất hiện dưới tán rừng tự nhiên nên không gây thiệt hại về rừng.
Theo kết quả biên bản kiểm tra hiện trường của Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới và các địa phương, nguyên nhân vụ cháy là do yếu tố tự nhiên (sét đánh). Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng kiểm lâm, phối hợp chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân đã huy động lực lượng 80 người tham gia chữa cháy. Do địa hình phức tạp, đến chiều cùng ngày vụ cháy mới được khống chế.
Tương tự, ngày 30/4 cũng xuất hiện vụ cháy rừng tại tiểu khu 292 xã Sơn Thủy (A Lưới) với diện tích rừng bị cháy gần 1,5ha. Theo biên bản kiểm tra, xác minh vụ cháy, trưa ngày 30/4 Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới nhận được tin báo của Ban quản lý Rừng phòng hộ A Lưới về việc xuất hiện đám cháy tại tiểu khu 292, xã Sơn Thủy.
Đến chiều cùng ngày, khi đám cháy lan lên khu vực giáp ranh rừng tự nhiên và rừng trồng của người dân, sát với khu vực có địa hình với độ dốc nhỏ, lực lượng chữa cháy gồm 120 người mới tiếp cận được hiện trường và chủ động phát dọn đường băng cản lửa, trực tiếp tiếp cận và dập tắt đám cháy.
Vụ cháy chủ yếu nằm trên diện tích cây bụi, lau lách, không gây thiệt hại về rừng. Nguyên nhân vụ cháy được các cơ quan chức năng xác định là do người dân sử dụng lửa đốt ong gây cháy lan. Tại thời điểm cháy, đối tượng đã bị bỏng nặng, phải đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, hàng năm, vào mùa cao điểm nắng nóng, cơ quan quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) xác định trên địa bàn có 4 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lan, cháy lớn. Theo đó, trọng tâm là khu vực rừng thuộc dọc đường Hồ Chí Minh, đồi A Túc, tuyến đường S3, đồi thông thị trấn, các diện tích rừng trồng của các Ban quản lý Rừng phòng hộ A Lưới, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa…
Tại các khu vực này, yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng phương án QLBVR, phòng cháy và chữa cháy rừng (PCCCR). Thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng. Đồng thời, tổ chức bảo vệ hiện trường nhằm ngăn chặn mọi hành vi tác động vào diện tích rừng bị cháy của người dân.
Ông Hồ Văn Sao, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới thông tin, hiện nay do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thời tiết đang mùa nắng nóng, người dân đốt, xử lý thực bì để trồng rừng, làm rẫy nên nguy cơ cháy rừng rất cao.
Hàng năm, đơn vị tham mưu UBND huyện các văn bản chỉ đạo trong công tác QLBVR, PCCCR. Chủ động trong công tác PCCCR, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng vũ trang, các chủ rừng và lực lượng khác trong công tác PCCCR, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”, “phòng là chính, chữa cháy kịp thời” đảm bảo an toàn diện tích rừng hiện có, chủ động phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Vào thời gian cao điểm nắng nóng, Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tu sửa, xây dựng mới các công trình quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt công tác PCCCR.
Địa bàn huyện A Lưới với diện tích rừng rộng lớn, Hạt Kiểm lâm tham mưu UBND các xã củng cố và duy trì lực lượng chữa cháy tại các thôn, bản. Tích cực tham gia chữa cháy khi có vụ cháy xảy ra và xác định các vùng trọng điểm cháy, điểm lấy nước, dẫn đường cho các lượng lượng tiếp cận hiện trường vụ cháy.
“Là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác tuyên truyền, vận động luôn được chú trọng. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng tổ chức các đợt truyền thông, tuyên truyền, vận động người dân thông qua hệ thống loa cơ sở, thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR. Đồng thời, tăng cường bám sát hiện trường tại các vùng trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, nghiêm cấm sử dụng lửa đốt ong, đốt thực bì vào mùa nắng nóng”, ông Hồ Văn Sao cho biết thêm.