ClockChủ Nhật, 17/06/2018 21:50

Luật An ninh mạng sẽ bảo vệ doanh nghiệp và người dân tốt hơn

TTH - Trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khẳng định, kiểm soát an ninh mạng là vấn đề quan trọng hiện nay; chưa có luật nào bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng mạng mới như Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua.

'Luật An ninh mạng không ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp'Thông qua Luật An ninh mạng là cần thiếtLuật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019Luật An ninh mạng nghiêm cấm những hành vi nào?Luật An ninh mạng là xu thế tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa

Việc xây dựng luật nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng đều nhằm mục đích đảm bảo tốt hơn về quyền tự do của công dân, cơ quan, tổ chức của Việt Nam, cũng như công dân, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tức là đảm bảo hợp pháp các quyền cho người dân và quản lý nhà nước tốt hơn về an ninh mạng.

Chính phủ đã báo cáo vấn đề này, quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước bị tấn công an ninh mạng nhiều nhất. Gần đây, nhiều vụ việc lộ, lọt thông tin bí mật trong các cơ quan nhà nước, các sân bay bị tin tặc tấn công… Ngay cả lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, kinh tế… tin tặc tập trung chống phá, áp chế rất mạnh. Nhiều tình huống xảy ra khiến chúng ta bị động, lúng túng.

Luật An ninh mạng có ý nghĩa như thế nào vào thời điểm này?

Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng với các quy định cụ thể góp phần phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.

Các quốc gia như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc đều làm tốt vấn đề an ninh mạng.

Ông có thể nói rõ hơn công tác chuẩn bị để đưa ra Luật An ninh mạng xin ý kiến Quốc hội?

Khi xây dựng một dự án luật, Chính phủ giao cơ quan soạn thảo có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khá toàn diện về sự cần thiết ban hành luật, kể cả đánh giá tác động. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo quy mô, mời các chuyên gia đầu ngành; riêng Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã mời các đại sứ quán, lấy ý kiến các chuyên gia trên lĩnh vực thông tin, từ 63 đoàn đại biểu Quốc hội. Trong quá trình thẩm tra và chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh rất cầu thị, hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, của các chuyên gia. Nhiều vấn đề trong dự án luật Chính phủ trình đã được tiếp thu, chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng sáng 12/6. Ảnh: vnexpress

Luật An ninh mạng sau khi được lắng nghe ý kiến, tiếp thu đầy đủ ý kiến, thì cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét và có kết quả biểu quyết thông qua cao (86,86%). Qua thẩm định, luật này không gây phiền hà cho cá nhân, doanh nghiệp và đảm bảo mọi người, mọi tổ chức sử dụng an toàn trong không gian mạng.

Một số người cho rằng, Luật An ninh mạng ra đời sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, hạn chế bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội...?

Luật có hiệu lực từ 1/1/2019, hiện cơ quan soạn thảo đang hoàn chỉnh để trình Chủ tịch nước công bố. Trước hết, mọi người cần hiểu rõ từng điều khoản của luật. Luật đã quy định rõ các hành vi bị cấm, còn những gì không cấm thì mọi người có quyền làm. Nghĩa là người dân vẫn sử dụng mạng xã hội để giao lưu, trao đổi. Nếu có hành vi chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì đương nhiên sẽ bị xử lý. Luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.

Dư luận cũng rất quan tâm về quy định tại Điều 15 của luật về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong đó quy định. Ông có thể cho biết rõ hơn quy định này?

Như đã nói, luật quy định rất rõ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng được quyền thẩm tra. Từ dấu hiệu vi phạm pháp luật đó, cơ quan chức năng về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thẩm định tài liệu xem có đúng vi phạm không và đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, Internet cung cấp thông số khi cần thiết. Cơ quan chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ những thẩm định đó mới đề nghị cung cấp các thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật.

Các nội dung Bộ luật Hình sự cấm thì ở Luật An ninh mạng cũng phải cấm. Nên nhớ rằng, đây là lần đầu tiên luật đưa ra những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng. Chúng ta được nói, được phản biện các vấn đề, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự.

Có thông tin cho rằng, cơ quan an ninh giám sát tất cả tài khoản cá nhân nhưng chắc chắn không có chuyện đó. Chúng ta chỉ đề nghị doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp các thông số khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật và luật quy định rất rõ tại Điều 26.

Quá trình xây dựng Luật An ninh mạng của Việt Nam có sự tham khảo với luật của các nước khác và các quy định của quốc tế về vấn đề này không thưa ông?

 Trong quá trình thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự án Luật An ninh mạng, chúng tôi đã hết sức lắng nghe ý kiến Nhân dân, ý kiến của đại diện các quốc gia như Mỹ, EU… Đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý các quy định nhằm đảm bảo an ninh mạng, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề thách thức toàn cầu.

Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, trong đó có quy định về lưu trữ dữ liệu và đặt máy chủ tại Việt Nam, các Hiệp định cơ bản của WTO và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Do đó, việc chúng ta áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.

Tức là, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đến nay, đã có trên 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Đây là yêu cầu cần thiết vừa bảo vệ an ninh quốc gia vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Một số người chưa hiểu và hoặc cố tình hiểu sai Luật An ninh mạng nhưng vẫn lên tiếng phản đối và dễ bị các thế lực lôi kéo, lợi dụng kêu gọi tụ tập phản đối. Theo ông, cần có biện pháp gì để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội về nhận thức cũng như hành động tiến tới việc thực thi theo luật?

Người sử dụng môi trường mạng cần hiểu rằng, khi sử dụng hạ tầng không gian mạng cần đảm bảo an toàn cho chính mình. Ví dụ như những thông tin xấu, độc hại tuyên truyền trên mạng xã hội cần phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là những tin vi phạm, tức là tuyên truyền, xuyên tạc về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cầm quyền. Rồi dùng mạng để nói xấu, xuyên tạc kể cả cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức… để hạ thấp uy tín con người, tổ chức, làm giảm lòng tin trong quần chúng Nhân dân.

Sau khi luật được công bố, các cơ quan tuyên truyền phổ biến pháp luật phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Thông qua các buổi ngoại khóa, chương trình giáo dục quốc phòng an ninh, phổ biến cho Nhân dân thông qua cộng đồng… để người dân hiểu được các điều luật trong đó. Chúng tôi thấy rằng, sau khi Quốc hội thông qua luật này, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận có phản ứng tích cực, tạo đồng thuận cao trước nội dung dự án luật này.

Sắp tới, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng sẽ giải thích cho người dân hiểu khi được yêu cầu.

Xin cảm ơn ông!

Thái Bình- Tuệ Ninh (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top