ClockThứ Năm, 25/10/2018 17:03

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân

TTH.VN - Chiều 25/10, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Phạm Như Hiệp, đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần lãm rõ sự mâu thuẫn giữa nội dung “bảo vệ bí mật nhà nước” và “quyền tiếp cận thông tin của người dân”.

Sớm thông qua cơ chế đặc thù đề án di dời dân khu vực 1 Kinh thành HuếThủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị bổ sung tài liệu trình Quốc hội3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hộiKhai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIVĐảm bảo song hành vai trò người đại biểu dân cử tại diễn đàn Quốc hội cũng như các hoạt động ở địa phươngCử tri gửi nhiều tâm tư, nguyện vọng tới kỳ họp thứ 6 (khóa XIV)

Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 25/10. Ảnh: Quochoi.vn

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước trước khi Quốc hội thông qua, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, tại khoản 1 đề nghị rà soát và quy định rõ khái niệm bí mật Nhà nước. Trong đó, đề nghị làm rõ hơn ý thứ 2 của khái niệm “tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác”. Vì “lời nói” và “hoạt động” là những biểu hiện không cụ thể, mơ hồ, không được định dạng, định lượng. Và “lời nói” hay “hoạt động” nếu không được xác định cụ thể trong hoàn cảnh nào, tình huống nào thì được xem là có chưa bí mật Nhà nước và có thể dẫn đến việc bất kỳ người nào cũng có nguy cơ được xem là làm lộ bí mật Nhà nước.

Về nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 3, đại biểu Phạm Như Hiệp nêu ý kiến: Tại khoản 5, đề nghị xem xét đối với nội dung quy định “Bí mật Nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định tại Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân”, vì quy định như dự thảo có sự mâu thuẫn giữa nội dung “bảo vệ bí mật Nhà nước” và “quyền tiếp cận thông tin của người dân”. Nếu đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người dân trong đó có cả những thông tin là “bí mật Nhà nước” có nghĩa mọi công dân đều có quyền được thông tin về “bí mật nhà nước” thì thông tin đó không thể gọi là bí mật Nhà nước được.

Cũng theo quy định tại Điều 6 Luật tiếp cận thông tin, quy định “những thông tin công dân không được tiếp cận”. Do đó, để đảm bảo việc tiếp cận thông tin phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tại khoản 5, Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị quy định như sau: Bí mật Nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định tại Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật”.

Cần khu biệt phạm vi

Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 25/10. Ảnh: Quốc Vương

Về phạm vi bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 7, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, tại điểm a và điểm c khoản 1 quy định phạm vi quá rộng, thông thường chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải quán triệt, phổ biến đến toàn thể Nhân dân, bởi xét cho cùng, mọi chủ trương, chính sách cũng vì phục vụ lợi ích Nhân dân. Thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước một phần cũng cần phải công khai, việc để “mật” có thể dễ bị các thế lực thù địch xuyên tạc và gây hiểu lầm. Do đó, về chủ trương, chính sách đề nghị quy định rõ vấn đề nào “mật” để tránh lạm dụng việc ban hành chủ trương, chính sách mang tính nội bộ, dẫn đến nguy cơ lợi ích nhóm; về thông tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị quy định rõ chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những nội dung về thân thế (nội dung nào mật) tránh quy định như dự thảo (quy định rộng).

Đại biểu Phạm Như Hiệp cũng đề nghị bỏ điểm a, khoản 11 liên quan đến thông tin bảo vệ sức khỏe cán bộ lãnh đạo vì trong Luật khám chữa bệnh có điều khoản liên quan đến giữ bí mật thông tin của người bệnh. Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm điểm c, khoản 11 trong lĩnh vực y tế là thông tin về quy trình sản xuất dược liệu, chế phẩm sinh học quý hiếm hoặc phát minh y học quan trọng là nội dung cần được bảo vệ, đặc biệt là trong các cuộc hội nghị, hội thảo.

Tránh lạm quyền

Ở quy định về tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước (Điều 23), để đảm bảo tính chặt chẽ, an toàn trong bảo vệ bí mật Nhà nước khi tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước phải làm mất hết các thông tin. Đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 23  cụm từ để tài liệu, vật không còn chứa các thông tin bí mật Nhà nước. Theo đó, điểm này được viết lại là: Quá trình tiêu hủy phải tác động vào tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước làm thay đổi hình dạng, tính năng, tác dụng để tài liệu, vật không còn chứa các thông tin bí mật Nhà nước”.

Về một số ý kiến tham gia khác, đại biểu cho rằng, tại điểm e khoản 1 Điều 17 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và xử lý theo quy định” vào sau cụm từ “cuộc họp” để đảm bảo tính chặt chẽ, và viết lại như sau: “Tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước phải thu hồi sau hội nghị, hội thảo, cuộc họp và xử lý theo quy định”

Tại Mục 2 Chương III quy định về cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước, có ý kiến cho rằng dự thảo mới chỉ quy định thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước, chưa quy định căn cứ để người có thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước. Theo đại biểu Phạm Như Hiệp, quy định như vậy rất dễ dẫn đến sự lạm quyền trong việc thực hiện, có thể thấy dù người có thẩm quyền thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục trong việc cung cấp, chuyển giao cũng không thể chắc chắn là tài liệu bí mật có bị lộ lọt hay không, cũng khó có thể quy trách nhiệm vì đã trao quyền cho họ. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định về “căn cứ để người có thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước”.

Thái Bình- Tấn Trọng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luật Giáo dục đại học phải phù hợp với quan điểm hội nhập

Góp ý bằng văn bản đến Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp- đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để hoàn thiện dự thảo trước khi Quốc hội thông qua, đại biểu tham gia một số ý kiến về đại học đa ngành đa lĩnh vực, tên gọi, thành lập đại học vùng… phù hợp với quan điểm hội nhập theo hiệp định CPTPP.

Luật Giáo dục đại học phải phù hợp với quan điểm hội nhập
Return to top