Đại biểu Phạm Như Hiệp trong một lần phát biểu tại Quốc hội
Phát triển đại học vùng
Về vấn đề liên quan đến đại học và trường đại học, theo dự thảo luật quy định thì việc thành lập đại học được tiến hành theo 2 hướng: thứ nhất là sát nhập các trường với nhiều ngành khác nhau lại hình thành nên một Đại học với đa ngành, đa lĩnh vực; thứ 2 là hình thành đại học trên cơ sở các trường tự mở rộng bằng việc thành lập các trường, học viện trực thuộc và tự hình thành các đại học với đa ngành đa lĩnh vực.
Đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh lại các quy định trong dự thảo luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, thể hiện rõ hơn việc thành lập các đại học theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung để phân biệt rõ mô hình đại học và các trường đại học. Cụ thể, về “tên gọi”, hiện nay về tên gọi trường đại học và đại học là khá giống nhau, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn trong cách hiểu, cách nhìn nhận đối với học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ thì trường đại học, học viện “là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành; gồm các khoa, phòng chức năng; trường, viện nghiên cứu (nếu có) và một số đơn vị khác”; còn đại học “là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); các trường, ban chức năng và một số đơn vị khác cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”.
Như vậy, về chủ thể của Trường đại học, học viện và Đại học tương đối giống nhau về mô hình, đó là có “trường, viện và một số đơn vị khác”. Mặc dù đại học và trường đại học được xem là 2 cấp khác nhau nhưng lại có nhiều thành phần giống nhau và tên gọi cũng tương tự nhau. Do đó, cần phải điều chỉnh tên gọi để đảm bảo tính rõ ràng, tránh nhầm lẫn sau khi luật được thông qua.
Về thành lập đại học vùng, theo đại biểu, mặc dù dự thảo luật xác định đại học vùng có tầm quan trọng “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển các vùng của đất nước”; tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ các quy định của luật hiện hành và luật sửa đổi lần này chỉ có rất ít điều quy về đại học vùng, bên cạnh đó những điều này lại quy định rất mờ nhạt và chưa thể hiện được tầm quan trọng cũng như nhiệm vụ và sứ mạng mà đại học vùng chịu trách nhiệm. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đảm bảo được vai trò là đầu tàu thực hiện các nhiệm vụ phát triển quốc gia và phát triển kinh tế vùng.
Một số góp ý về đào tạo đặc thù
Trụ sở Đại học Huế
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ đạo “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” và xác định đào tạo nhân lực y tế cần phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.
Quán triệt tinh thần các Nghị quyết nói trên, trong thời gian qua, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều hoạt động về đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế với các nội dung chính: phân biệt rõ 2 hướng đào tạo hướng hàn lâm, nghiên cứu (academic) bao gồm thạc sĩ, tiến sĩ và hướng đào tạo để hành nghề chuyên nghiệp (professional) gồm chuyên khoa, chuyên khoa sâu (hiện nay đang là nội trú, chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2); xây dựng khung trình độ các ngành khối ngành sức khoẻ; giấy phép hành nghề.
Đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét, điều chỉnh, bổ sung để dự thảo được hoàn thiện. Ví dụ như ở Khoản 1, Điều 6; Khoản 4, Điều 7 về phân loại cơ sở giáo dục đại học; Khoản 1, Điều 38… Ngoài ra, Điều 73, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đề nghị bổ sung từ "chuẩn" vào trước cụm từ "chương trình đào tạo" và xác định rõ vai trò của Chính phủ, đề nghị sửa lại là: Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng, chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực sức khoẻ và một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù”.
Đại biểu Phạm Như Hiệp khẳng định, đây có thể nói là “thời khắc lịch sử”, nếu không phải rất lâu nữa mới có thể xem xét lại, và như vậy hệ thống y tế có nguy cơ sẽ có những thế hệ đào tạo không đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và chắc chắn là chưa hội nhập - không phù hợp với quan điểm hội nhập mà kỳ họp này Quốc hội vừa xem xét là thông qua hiệp định CPTPP.
Thái Sơn- Hữu Dũng (lược ghi)