ClockThứ Sáu, 25/03/2022 05:56
Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2022)

Mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng

TTH - 47 năm đã trôi qua, Ngã ba Ràng Bò - nơi Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 của Quân đoàn II chia cắt Quốc lộ số I đến nay vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người.

Trưng bày chuyên đề “Chiến khu Hoà Mỹ - Căn cứ địa cách mạng của Thừa Thiên Huế”Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân 47 năm Ngày giải phóng quê hươngPhong trào đấu tranh của công nhân Huế trong Cách mạng tháng Tám

Kỳ Đài Huế là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ảnh: MC

Phòng tuyến tan vỡ

Cùng với việc ngăn chặn đối phương rút quân vào Đà Nẵng, nó còn là bàn đạp để quân giải phóng tiến về đồng bằng phối hợp với các hướng tấn công truy kích, đánh chiếm, bao vây đối phương, góp phần thực hiện thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng - một trong ba chiến dịch quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Rạng sáng ngày 21/3/1975, Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Hữu An lệnh cho Sư đoàn 325 tấn công vào các cao điểm ở nam Huế, chính thức mở màn cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Tuyến phòng ngự này do Lữ đoàn 258 Thủy quân lục chiến (TQLC) và Liên đoàn 15 Biệt động quân (BĐQ) - lực lượng trù bị của QLVNCH trấn giữ. Sau đợt tấn công đợt I (lúc ấy mang tên chiến dịch xuân hè 1975) của quân giải phóng Trị Thiên Huế, để bảo vệ tuyến đường huyết mạch - Quốc lộ số I đi qua địa phận Phú Lộc, đối phương cho quân chốt giữ các cao điểm: 310, 312, 329, 363, 494, 520, 560 nằm ở phía tây vùng Đá Dầm - Đá Bạc, hình thành thế phòng ngự khu vực dưới sự yểm trợ của trọng pháo xuất phát từ các căn cứ quân sự: Phú Bài, La Sơn, Lương Điền, Mũi Né, Phước Tượng…

Từ cao điểm 863, Trung đoàn pháo binh 84 của Sư đoàn 325 đồng loạt nã pháo vào các vị trí đóng quân của đối phương áp chế. Pháo chuyển làn, từ nhiều hướng, các đơn vị của Trung đoàn 18 và 101 (Sư đoàn 325) tiếp cận trận địa và mở nhiều đợt tấn công vào các mục tiêu đã định. Giao tranh ác liệt đã diễn ra nhưng với tinh thần chiến đấu “một ngày bằng hai mươi năm”, đến chiều cùng ngày, tuyến phòng ngự của đối phương án ngữ ở phía tây vùng Đá Dầm - Đá Bạc đã bị chọc thủng.

Các đơn vị của Trung đoàn 18 và Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 nhanh chóng triển khai đội hình lần lượt chiếm giữ tuyến đường bộ huyết mạch nối Huế - Đà Nẵng. Đến chiều ngày 22/3/1975, Sư đoàn 325 hoàn toàn làm chủ tuyến lộ số I trải dài gần 10km từ nam Truồi đến bắc Mũi Né.

Để tạo nên cục diện mới ở mặt trận nam Huế, theo nhiều cựu chiến binh tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng tháng 3/1975 thì trận đánh chiếm cao điểm 560 do Trung đoàn 18 đảm nhiệm là trận đánh then chốt, vì đây là nơi Tiểu đoàn 61 (Liên đoàn 15 BĐQ) đặt Sở chỉ huy, xung quanh cứ điểm có 2 lớp hàng rào kẽm gai và các bãi mìn bảo vệ.

Theo lời Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325 - người được tăng cường chỉ huy Trung đoàn 18 tham gia trận chiến này thuật lại, Tiểu đoàn 9 được phân công dứt điểm cứ điểm 560. Do đối phương phản kháng mãnh liệt nên dù đã mở nhiều đợt tấn công và chịu nhiều tổn thất nhưng vẫn không dứt điểm được. Khi biết Trung đoàn 101 không kịp hỗ trợ như kế hoạch đã định, chỉ huy Trung đoàn 18 quyết định điều Đại đội 7 (Tiểu đoàn 8) và Tiểu đoàn 7 tăng viện; đồng thời giao trách nhiệm cho Tham mưu phó Trung đoàn Nguyễn Trọng Hóa và Phó Chính ủy Trung đoàn Nguyễn An Gang trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9 tiếp tục đánh chiếm dứt điểm cao điểm 560.

Để hạn chế thương vong, Đại đội trưởng Đại đội 7 Thiều Chí Đinh và Chính trị viên Đậu Văn Bạch đã quyết định tìm cách đánh khác, thay bằng đánh trực diện, các ông đã cho binh sĩ tìm nơi có địa hình dốc và cao nhất, bí mật gỡ mìn, cắt hàng rào dây thép gai rồi luồn vào, bất ngờ tấn công. Tiểu đoàn trưởng 61 BĐQ bị bắt tại trận.

Đến 15 giờ ngày 21/3, cao điểm 560 chính thức rơi vào tay quân giải phóng. Sau đó 1 giờ (trừ cao điểm 329), các cao điểm còn lại do các Tiểu đoàn: 60, 61 thuộc Liên đoàn 15 BĐQ trấn giữ lần lượt lọt vào tay quân giải phóng. Bị mất các cao điểm án ngữ, để bảo vệ tuyến Quốc lộ số 1, chiều 21/3, đối phương vội vã tăng quân cho các vị trí còn lại và tổ chức thêm một số chốt ở quả đồi phía dưới cao điểm 560 và dãy Kim Sắc.

Nhận thấy thời cơ mới xuất hiện, Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm lệnh cho Trung đoàn 18 và 101 triển khai ngay lực lượng đánh chiếm đường số I. Để đánh chiếm cầu Đá Bạc, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 18) phải men theo chân các dãy đồi để tiếp cận, nhưng trên đường hành tiến đã bị 1 đại đội BĐQ chốt chặn ở cao điểm 200 ngăn chặn. Hai bên giao tranh, nhiều binh sĩ của Tiểu đoàn 8 thương vong, chủ yếu do bị đạn pháo đối phương bắn trúng đội hình. Sau khi trận địa pháo của đối phương ở Mũi Né bị pháo của Sư đoàn 325 áp chế, Trung đoàn trưởng 18 Phạm Hồng Lẫm điều thêm quân và trực tiếp chỉ huy tấn công và chiếm được cao điểm 200.

Đúng 10 giờ ngày 22/3/1975, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 18) chiếm được cầu Đá Bạc, thực hiện chia cắt đường số I. Cùng thời điểm, Tiểu đoàn 7 (do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Cách; Chính trị viên Đỗ Hồng Mão được Tham mưu phó Trung đoàn 18 Nguyễn Trọng Hóa chỉ huy) từ hướng tây tràn xuống đánh chiếm Ràng Bò, chiếm Quốc lộ số I ở ngã ba Đá Dầm.

Tiếp đó, Trung đoàn 101 (do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng; Chính ủy Nguyễn Hữu Đang chỉ huy) tấn công căn cứ Lương Điền và chiếm đường số I. Đến chiều 22/3, từ phía nam Truồi đến Mũi Né, Sư đoàn 325 chính thức kiểm soát tuyến Quốc lộ số I dài gần 10km. Những đoàn công xa chuyển quân và khí tài của ngụy quân từ Trị Thiên Huế vào tăng cường cho Đà Nẵng buộc phải quay đầu. Nhận hung tin, Trung tướng Tư lệnh tiền phương Quân khu I QLVNCH Lâm Quang Thi lệnh cho thuộc cấp rút quân vào Đà Nẵng bằng đường biển. Xe tăng, thiết giáp trọng pháo, quân xa dồn ứ và bỏ lại ở quân cảng Tân Mỹ.

8 chiến hạm và 4 chiến đỉnh của Hải quân vùng I QLVNCH bất lực chỉ lởn vởn ngoài khơi, bởi lúc này 2 cửa biển Thuận An và Tư Hiền đã bị Quân giải phóng dùng pháo khống chế đường biển và ráo riết truy kích, buộc hàng ngàn binh sĩ thiện chiến của “vùng giới chiến”, bó tay xin hàng.

Cầu Trường Tiền, biểu tượng của Huế, nơi chứng kiến nhiều cuộc chiến.  Ảnh: MC

Quyết định sáng tạo

Chiến dịch xuân - hè 1975 ở Thừa Thiên Huế diễn ra từ ngày 5-26/3 và chia làm hai đợt. Đợt I diễn ra từ ngày 5-14/3; đợt II, diễn ra từ ngày 21-26/3, lúc này chính thức mang tên chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử này, từ giữa năm 1974 ở vùng giải phóng, Công binh Quân đoàn II và Quân khu Trị Thiên đã tiến hành mở tuyến đường 74 nối nam A Lưới với Nam Đông thuộc vùng tây nam Huế, nơi đối phương vẫn tin rằng Quân giải phóng khó mà đưa được khí tài và lực lượng vượt qua những dãy núi hiểm trở ở vùng Nam Đông để thọc sâu, mở những trận đánh lớn nên chỉ tổ chức phòng ngự ở vòng ngoài.

Phục vụ cho chiến lược táo bạo này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên Huế đã mở cuộc diễn tập thực binh (thực chất là nghi binh) ở bắc Quảng Trị; đồng thời lệnh cho Sư đoàn 324, Sư đoàn 325 và Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) đang ở đây bí mật chuyển quân; cùng thời điểm từ Thượng Đức - Quảng Nam, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) được lệnh rút. Nơi hội quân của Quân đoàn II là vùng núi rừng Nam Đông.

Xuất phát từ thực tế của chiến trường, Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên Huế đã có quyết định sáng tạo, đó là chuyển hướng tấn công từ tây bắc như xác định ban đầu sang tây nam Huế và khi thời cơ xuất hiện nhanh chóng chiếm đường số I, hình thành thế bao vây chia đẩy đối phương lâm vào thế bị động ứng phó. Quân đoàn II đảm nhận vai trò tấn công vào hướng chủ yếu này. Theo kế hoạch đã được phân công, đợt I (từ 5-14/3), từ Phong Điền đến Phú Lộc, Quân giải phóng mở nhiều đợt tấn công và thu được nhiều thành quả quan trọng, buộc đối phương phải tổ chức lại tuyến phòng thủ.

Để bảo vệ Đà Nẵng, Tư lệnh Quân khu I QLVNCH đã điều Lữ đoàn 369 và 258 Thủy quân lục chiến về chốt giữ đèo Phước Tượng, Hải Vân. Riêng ở tây nam Huế, ngoài lực lượng của Sư đoàn I Bộ binh, đối phương còn tăng cường Liên đoàn 15 Biệt động quân, Lữ đoàn 258 Thủy quân lục chiến chốt giữ: Mỏ Tàu, núi Bông, núi Nghệ, động Truồi, dãy núi Kim Sắc, cao điểm 303 và chốt giữ tuyến Quốc lộ I đoạn xung yếu từ Đá Bạc đến Lăng Cô; yểm trợ cho tuyến phòng thủ này là trọng pháo và xe tăng, quân đồn trú ở các căn cứ quân sự: Phú Bài, La Sơn, Lương Điền, Mũi Né, Phước Tượng… Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Ở Thừa Thiên Huế, sáng ngày 21/3, Quân đoàn II đồng loạt tấn công vào hệ thống phòng ngự của đối phương. Sư đoàn 325 (thiếu Trung đoàn 95) đánh vào các cao điểm: 294, 310, 312, 329, 494, 520, 560, đồi Yên Ngựa và dãy đồi Kim Sắc. Sư đoàn 324 tiến đánh các điểm cao 224, 303 và Núi Bông. Chỉ sau một ngày dồn dập tấn công, Sư đoàn 325 đã chiếm dãy Kim Sắc và các cao điểm 294, 520, 560. Tuyến phòng ngự của đối phương ở phía tây Đá Dầm - Đá Bạc bị vỡ.

Thời cơ xuất hiện, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II lệnh cho Sư đoàn 324 bỏ núi Bông và cao điểm 303, chuyển hướng để phối hợp với Sư đoàn 325 tràn xuống đường số I thực hiện quyết tâm chia cắt Huế - Đà Nẵng. Đến chiều ngày 22/3, tuyến Quốc lộ số I dài chừng 10km từ nam Truồi về Đá Bạc hoàn toàn lọt vào tay Quân giải phóng và từ đây, sáng ngày 23/3, Sư đoàn 324 hành quân về Phú Thứ, vượt đầm Thủy Tú khống chế vùng nam cửa Thuận An; Sư đoàn 325 hành quân về đông nam Phú Lộc khống chế cửa Tư Hiền phối hợp với Lữ đoàn pháo 164 khống chế, chặn đường rút quân bằng đường biển của đối phương.

Ở phía Bắc, các Trung đoàn 4, 46, và 271 của Quân khu Trị Thiên truy kích Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến, Liên đoàn 14 Biệt động quân, Trung đoàn 5 (Sư đoàn 1 Bộ binh), Thiết đoàn 17… dồn đối phương về Thuận An.

Ngày 24 tháng 3, các Tiểu đoàn 3 và 812 của Tỉnh đội Quảng Trị được tăng cường 1 Đại đội xe tăng và 1 Đại đội pháo binh tấn công xuyên qua các chốt sông Bồ, Phò Trạch, Lương Mai, Bao Vinh, Xuân Viên, Thanh Hương do 2 Tiểu đoàn Bảo an QLVNCH chặn giữ, truy kích cánh quân này đến Phong Hòa, Phong Bình, Sịa và đánh chiếm quận lỵ Hương Điền và ngã ba Sình, khóa chặt cửa Thuận An.

Trên hướng chính diện, lúc 16 giờ 30 ngày 23/3, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) đánh chiếm căn cứ Lương Điền, áp sát sân bay Phú Bài, mở cánh cửa vào Huế từ phía Nam. Trung đoàn 46 (Quân khu Trị Thiên) phá vỡ phòng tuyến sông Bồ, đánh chiếm quận lỵ Quảng Điền, cầu Thanh Hà, cầu An Hòa, mở cửa vào Huế từ phía tây bắc.

Tiếp đó, trong các ngày 24, 25/3, các Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) và 101 (Sư đoàn 325) vượt qua Truồi, Nong, đánh chiếm sân bay Phú Bài, quận lỵ Hương Thủy, theo đường số 1 tấn công vào Huế... Ở vùng ven biển Kế Sung, Cự Lại của huyện Phú Vang, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 324), 4 và 271 (Tỉnh đội Quảng Trị) truy kích, vây bắt tàn quân của Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến và Liên đoàn 15 Biệt động quân…

Đến chiều 25/3, hầu hết các mục tiêu quan trọng của đối phương ở Huế đã bị Quân giải phóng chiếm giữ. Gần 1.000 xe quân sự, trên 1 vạn tấn vũ khí và toàn bộ quân nhu đã rơi vào tay Quân giải phóng, bổ sung nguồn lực để Quân đoàn II tiếp tục đánh chiếm Đà Nẵng. Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế được giải phóng.

Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”

Ngày 28/9, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế) và Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam (3/10/1945-3/10/2024) và phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”.

Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”
Return to top