Đó là cách mà ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh về lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề. Cũng theo ông, con đường duy nhất để phát triển quốc gia, trước hết và quan trọng nhất phải là nâng tầm cho kỹ năng lao động.
Chúng ta vẫn đang đối diện với rất nhiều thách thức do tác động từ COVID-19. Mặc dù đã vượt qua được giới hạn của các làn sóng COVID-19 đầu tiên, nhưng nguồn lực lao động vẫn là điều mà người/các đơn vị sử dụng lao động quan tâm và lo lắng nhất. Bao phủ vắc-xin và tiến tới miễn dịch cộng đồng, và trước hết là chọn cách thích ứng trong dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế đã tạo điều kiện để “lấy lại” nguồn lực lao động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng cũng phải thừa nhận là thị trường lao động đã có sự chững lại vì những do dự, cân nhắc từ phía người lao động và không ít người trong số họ chưa có tâm thế sẵn sàng cho sự trở lại.
Những điều trên cho thấy tầm quan trọng của nguồn lực lao động. Nhưng đây cũng là quãng thời gian không phải chỉ là lấp đầy các đơn vị sản xuất bằng quân số lao động, mà còn ở kỹ năng nghề. Đó là khi những đòi hỏi về chuyển đổi số đã bắt đầu tạo một chuyển biến mạnh mẽ ngay từ các dây chuyền sản xuất, đến khả năng và trình độ quản lý trong quá trình chuyển đổi đó. Thiếu nhân lực là một thực tế, và điều đó cũng tác động trở lại thành một đòi hỏi về trình độ và kỹ năng nghề ở nguồn lực lao động. Điều này không chỉ là đòi hỏi trong một phạm vi nhỏ hẹp, vì trong thực tiễn, nó cũng là một mắt xích trong guồng máy sản xuất của thế giới. Nói một cách khác, đó là những đòi hỏi phải được thích ứng và điều chỉnh trong cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn lực lao động là tài sản vô giá, nhưng vấn đề ở đây là nguồn lực ấy đang đứng ở vị trí nào? Có đáp ứng và theo kịp với xu thế của sự phát triển? Chúng tôi đề cập đến vấn đề này là vì tài sản chỉ là vô giá nếu phát huy và biết cách phát huy được “lực” và “thế” của mình…
Theo một con số từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Cục Thống kê và ILO công bố vào đầu tháng 10/2021, đến hết quý 2/2021, số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9% trong tổng số lực lượng lao động của Việt Nam là 51,1 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Đây là một tương quan không dễ thay đổi chỉ trong một vài năm. Trong tầm chiến lược vĩ mô, một giải pháp chiến lược để nâng kỹ năng lao động và nâng chất lượng nguồn tài nguyên lao động của đất nước là điều cần phải được đặt ra trong bối cảnh mới.
Ở một phạm vi hẹp hơn, Thừa Thiên Huế đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 68% tại Kế hoạch số 1/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao năm 2022, nhằm đảm bảo đủ về quy mô và chất lượng trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức; đáp ứng tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà…
Nguyễn An Lê