ClockThứ Năm, 27/07/2017 13:11

Người viết văn bia cho nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế

TTH - Cứ mỗi lần lên viếng Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố, tôi đều đến nhà bia để đọc lại những dòng chữ vàng với tấm lòng thành kính nhất.

Đây chính là nơi giao hòa giữa vong linh của những người đã khuất với tiếng lòng của những người trên dương thế. Trong không gian trầm mặc của nghĩa trang rộng lớn này, có lẽ những điều sâu lắng nhất, linh thiêng nhất đều lắng đọng lại trong tấm bia đá kiêu hùng, vững chãi.

Nhà bia tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế

Sau ngày miền Nam được giải phóng rồi đất nước thống nhất, trong khi chưa có nghĩa trang liệt sĩ, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải tạm thời sử dụng đàn Nam Giao làm nơi cử hành những nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các vị trong Ban Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND thành phố đã ưu tiên xúc tiến khảo sát địa điểm để sớm dựng lập nghĩa trang liệt sĩ. Quá trình khảo sát được thực hiện khẩn trương nhưng rất thận trọng, tham khảo ý kiến rộng rãi cả trong lãnh đạo và ngoài nhân dân, bao gồm cả ý kiến của những người có kiến thức sâu về phong thủy. Địa điểm núi Tam Thai đã được lựa chọn. Song song với công việc thiết kế và san ủi mặt bằng nhanh chóng, việc lựa chọn kiến trúc và điêu khắc cũng đã được tiến hành đồng thời.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, quê ở Đà Nẵng, đã được mời thiết kế phần cụm tượng đài trung tâm và cổng chính của nghĩa trang. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Toàn, người gốc Huế, được đảm nhận thiết kế và thi công 2 bức phù điêu 2 bên cánh gà của cụm tượng đài trung tâm, khắc họa khái quát lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam... Nghĩa trang liệt sĩ là công trình trọng điểm nhất của thành phố lúc bấy giờ nên được Thường trực cùng Thường vụ Thành ủy chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, dẫu nhiều khó khăn cụ thể nhưng tiến độ thi công rất nhanh chóng. Nghĩa trang đã sớm được đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của tỉnh nhà, trả lại Đàn Nam Giao cho quần thể Di tích Cố đô Huế.

Tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ 

Văn bia của nghĩa trang là hạng mục vô cùng trọng yếu nhưng được thực hiện chậm hơn một bước. Sau khi báo cáo xin chủ trương của Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố phác thảo yêu cầu về nội dung chủ yếu của văn bia và gửi thư mời gọi cả trong và ngoài tỉnh để đặt bài cho các tác giả tham gia viết. Sau một thời gian, UBND thành phố nhận được 8 bài từ Hà Nội và trong tỉnh gửi đến. Phân tích cân nhắc 8 bài dự thi đó, UBND thành phố cuối cùng đã chọn bài viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là bài viết khá trọn vẹn, nội dung súc tích, được viết đúng theo đúng thể loại văn tế nên tạo được sức truyền cảm mạnh mẽ. Tuy nhiên, có lẽ do vừa bước ra từ chiến trường, thời gian quá ngắn cho sáng tác nên mức độ khái quát của bài viết chưa thật bao quát, tác giả chỉ mới giới hạn không gian bài viết trong phạm vi chiến trường miền Nam và thời gian cũng chỉ đề cập từ cái mốc là cuộc chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ.

Để hoàn thiện hơn áng văn quan trọng này, thay mặt UBND thành phố, tôi đã đến gặp tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường để bày tỏ lòng cảm ơn, đồng thời đề nghị tác giả bổ sung thêm 2 ý chính: Về thời gian thì cần xuyên suốt chiều dài lịch sử giải phóng dân tộc của địa phương và đất nước, nghĩa là phải bao gồm cả sự chiến đấu hy sinh của những anh hùng liệt sĩ thuộc cả thế hệ kháng chiến chống Pháp chứ không chỉ có người con dân tộc đã hy sinh trong công cuộc chống Mỹ. Về không gian, phải đề cập đến sự hy sinh của hàng vạn người con khắp mọi miền đất nước đã góp xương máu trên mảnh đất này chứ không chỉ là những anh hùng liệt sĩ của địa phương mình. Tác giả hoàn toàn ghi nhận nội dung cần bổ sung và đã hoàn chỉnh công trình của mình ngay vài hôm sau đó.

Văn bia đã được soạn thảo, nhưng thông qua tập thể, lãnh đạo như thế nào? Cái khó thường gặp mỗi khi bình luận văn chương là “9 người 10 ý”. Do vậy, để dự thảo văn bia được thông qua chính thức với đầy đủ trách nhiệm mà lại nhanh nhất, tại buổi lễ đặt vòng hoa viếng Nghĩa trang Liệt sĩ của hơn 300 đại biểu Đại hội Đảng bộ thành phố vào ngày 4/4/1996, trước giờ khai mạc đại hội, ngay trước khi cử Quốc ca và nhạc Chiêu hồn tử sĩ, tôi đã trân trọng đọc bài văn bia này với biểu cảm tâm huyết nhất. Và thực sự, áng văn này đã làm lay động trong sâu thẳm tấm lòng của hơn 300 vị đại biểu.

Ngay sau lễ dâng hoa tưởng niệm, những ý kiến phản hồi mà UBND thành phố nhận được từ các đại biểu về bài văn bia đều rất tích cực, có cả ý kiến nhận xét kỹ lưỡng và đánh giá cao. Vững tin nhờ đã được kiểm nghiệm bởi số đông cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố, văn bia được UBND thành phố giao cho Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội tiến hành khắc ghi trên bia đá, được chuyển về từ Thanh Hóa. Văn bia được dựng đặt trong nhà bia uy nghiêm, trở thành một thiết chế quan trọng của Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Huế, nhưng ít ai biết đến người đã viết áng văn này chính là Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà văn, nhà thơ, nhà Huế học, một người con của QuảngTrị đã yêu và đóng góp rất nhiều cho vùng đất Cố đô.

Bài: LÊ VĂN ANH - Ảnh: VĐN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top