Cũng bắt đầu từ ngày 1/3, lượng khách của Bangkok Airway – hãng hàng không của Thái Lan – sẽ có 2 chuyến bay đến Đà Nẵng bằng Airbus A319 với 144 chỗ ngồi thay vì chỉ 1 chuyến/ngày so với trước. Tờ báo nhận định, Đà Nẵng, Huế, Hội An sẽ là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất của khách Thái vì lộ trình của các điểm đến ngắn, thời gian xê dịch ít và giao thông liên vùng đã rất thuận tiện. Con số này chưa kể đến nguồn khách qua các cửa khẩu bằng đường bộ, hay các chuyến bay thẳng đến Huế, Quảng Bình…
Trong chiều hướng này, Đà Nẵng dự kiến sẽ đón lượng khách Thái trong năm trên 100.000 người. Năm 2018, con số này là gần 60.000. Với Huế, con số này trong năm 2018 là 65.682 người và chỉ xếp thứ 3, sau Hàn Quốc và Pháp. Trong diễn tiến chung, lượng khách Thái đến Huế chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi với con số cao hơn.
Tôi, thú thật là đã dừng lại khá lâu trước bản tin vì hai chữ ồ ạt. Cơ hội tăng thêm cho Huế là điều nhận thấy, song điều mà tôi quan tâm trước hết là việc Huế sẽ có sự tiếp cận như thế nào với nguồn khách này từ phía hướng dẫn viên (HDV) biết tiếng Thái? Lâu nay, nguồn khách du lịch từ thị trường này vẫn được xếp vào danh mục ngôn ngữ hiếm, với khoảng từ 8-11 người. Các công ty du lịch rất chật vật để tìm người hướng dẫn. Đấy là chưa kể việc đáp ứng ngôn ngữ từ nhân viên các nhà hàng, khách sạn hay các cơ sở kinh doanh khác. Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ ba - nhất là tiếng Anh đối với nguồn khách này cũng chưa phổ biến như khách du lịch đến từ các nước khác.
Vẫn được xếp vào diện ngôn ngữ hiếm, và chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 1.688 HDV đang hoạt động tại Huế, nhưng số HDV tiếng Thái đã được tăng lên gần gấp đôi so với năm trước – 23 người, bằng HDV tiếng Hàn, sau HDV tiếng Đức (25 người), tiếng Nhật (54 người). Về nguyên tắc, mỗi khách (đi lẻ) có nhu cầu sẽ cần 1 HDV phục vụ nhưng nếu với các đoàn lớn, mỗi HDV có thể hướng dẫn 20-25 người thì con số này, dẫu sao cũng tạm yên lòng hơn so với sự hụt hẫng trước đó.
Nhưng tạm yên chưa phải là đủ. Đó cũng là một trạng thái còn tiềm ẩn sự bấp bênh và rủi ro. Thế nên vấn đề đặt ra ở đây là ngành du lịch và cả các công ty du lịch dịch vụ nữa đã có sự chuẩn bị đội ngũ và nhân lực đêt tiếp cận, phục vụ như thế nào đối với lượng khách đang được nhận định sẽ ồ ạt đến với miền Trung và Huế là 1 trong 3 tiêu điểm chính được nhắm tới?
Đây cũng không phải là vấn đề lần đầu tiên được đề cập tới, song có lẽ, trước hết vẫn là công tác dự báo thị trường, chuẩn bị và đón đầu nguồn khách, lượng khách và có phương thức chuẩn bị để khắc phục, chuẩn bị nhân lực tiếp cận trước những cơ hội mở.
An Lê