Được Bác Hồ phát động vào tết năm 1960, cho đến bây giờ, “Tết trồng cây” đã trở thành một mỹ tục đẹp của người dân Việt Nam. Mong mỏi của Người ở kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965) là nếu tất cả Nhân dân miền Bắc từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, mỗi người trồng từ 1 đến vài ba cây thì cả miền Bắc sẽ có 90 triệu cây. Điều này sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho kinh tế, quốc phòng và góp phần vào cải thiện đời sống của người dân.
Đã gần 60 năm kể từ ngày ấy và dù “Tết trồng cây” chỉ là một phong trào ở mỗi dịp tết, nhưng tinh thần của "Tết trồng cây" đã lan tỏa trong đời sống và sản xuất của người dân trên toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Những con đường phố, những khu dân cư, khối xóm, bản làng xanh là điều dễ nhận thấy khi chúng ta có dịp xê dịch khắp mọi miền Tổ quốc. Thật khó hình dung nếu cuộc sống của chúng ta mà vắng thiếu cây xanh cũng như thật không thể hình dung nếu đô thị mà không có sự hiện diện của cây và các mảng xanh...
Trên một phạm vi rộng và bao quát hơn, có thể nhận thấy cây xanh đã đóng góp và thậm chí là chi phối cuộc sống của con người như thế nào. Với Thừa Thiên Huế, vấn đề mà cả tỉnh nỗ lực phấn đấu ở lĩnh vực này không chỉ là mang lại những mảng xanh, góc xanh, khu phố xanh, khu dân cư xanh mà việc nâng cao chất lượng sống, cải thiện đời sống kinh tế, an ninh quốc phòng còn nhiều hơn và lớn hơn với mục đích gần nhất là tỷ lệ che phủ rừng trong năm 2018 đạt 57%. Đồng thời, gắn với việc tập trung phát triển lâm nghiệp đa chức năng; trồng, nhân diện những cánh rừng gỗ lớn và xây dựng chuỗi giá trị rừng, tạo vùng nguyên liệu có giá trị cao cho công nghiệp chế biến đồ gỗ... Mặt khác, việc huy động và mở rộng diện đối tượng, các thành phần kinh tế tham gia tích cực hơn vào sản xuất lâm nghiệp cũng được đặt ra như một yêu cầu để phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào an sinh xã hội; kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý...
Đặt trong tương quan này, "Tết trồng cây" được xem là hoạt động lõi, vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính kích cầu và những đích đến xa hơn cho môi trường và đời sống cho lâu dài. Đó cũng là một hiệu ứng đô - mi- nô tích cực mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây, nhất là trong bối cảnh rừng ở nhiều nơi đang bị tàn phá mà chúng ta chưa kiểm soát hết được; nhiều mảng cây, cây xanh đô thị đã phải biến mất, nhường chỗ cho các công trình với tỷ lệ xây dựng ồ ạt và ken đặc...
Nhưng vấn đề không chỉ là việc trồng cây mà còn là việc chăm cây. Những cánh rừng cần xanh. Những tòa nhà, khu phố, xóm làng... phải có chỗ cho cây xanh như cách hơi thở cần cho cuộc sống. Phụ bạc cây xanh, mảng xanh cũng là cách chúng ta đang tự loại trừ mình ra khỏi cuộc sống vậy. Có thể khi trồng một cây xanh, chúng ta không hề nghĩ đến ngày “ăn quả”. Song tính nhân văn của "Tết trồng cây", mùa trồng cây và việc chăm bón cây sẽ mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho mỗi người và các thế hệ tương lai.
An Lê