Đại biểu Nguyễn Chí Tài phát biểu trực tuyến thảo luận tại Quốc hội
Thẩm định bảo đảm phòng chống thiên tai
Đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cần bổ sung nội dung thẩm định về bảo đảm phòng, chống thiên tai vào điểm đ, khoản 2, để thống nhất với quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và viết lại như sau: “Kiểm tra sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở về đảm bảo an toàn xây dựng; việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ; bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường”.
Theo đại biểu, sở dĩ cần sửa đổi như trên bởi, tại khoản 12, Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 19 Luật Phòng, chống thiên tai quy định: Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, bao gồm: Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về xây dựng và về quy hoạch. Người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật trước khi phê duyệt dự án.
Thuê đơn vị trung gian thiết kế hoặc thẩm tra thiết kế xây dựng
Tại điểm a, khoản 1, Điều 85 dự thảo Luật quy định chủ đầu tư có quyền “Tự thực hiện thiết kế hoặc thẩm tra thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng”. Theo đại biểu, để nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình và mang tính khách quan khi triển khai thực hiện các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đề nghị công tác thực hiện thiết kế hoặc thẩm tra thiết kế xây dựng phải thuê đơn vị trung gian thực hiện.
Về quy định chung về cấp giấy phép xây dựng, theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể là tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD ngày 22/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng thì các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đó là: Công trình cột ăng ten thuộc hệ thống cột ăng ten nằm ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến; công trình cột ăng ten không cồng kềnh tại khu vực đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khác thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định có liên quan.
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung “các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động” nêu trên, cũng thuộc trường hợp không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2 Điều này.
Quản lý tốt hơn công tác xây dựng ở nông thôn
Công trình xây dựng ở cồn nổi cạnh Đập Đá bên sông Hương có nhiều sai phạm đang được thanh tra toàn diện
Tại điểm i và k, khoản 2 quy định “Công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa” được miễn cấp phép xây dựng và đối với nhà ở riêng lẻ không phải thông báo cho chính quyền địa phương, nên khó khăn trong quản lý cũng như xử lý vi phạm.
Để công tác quản lý xây dựng công trình ở nông thôn hiệu quả, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, cũng như xử lý các hành vi vi phạm, đại biểu đề nghị điều chỉnh một số quy định như sau:
Đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng ở nông thôn (chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt mà đã có quy hoạch nông thôn mới) phải được cấp giấy phép xây dựng mới được triển khai thực hiện dự án;
Đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn (trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa) trước khi khởi công xây dựng phải thông báo cho chính quyền địa phương biết để quản lý.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, tại khoản 1, quy định người quyết định đầu tư quyết định “thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án” để quản lý dự án mà không quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện để áp dụng, điều này dễ dẫn đến sự tùy nghi trong thành lập Ban quản lý dự án, thiếu tính chuyên nghiệp. Để các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực hoạt động chuyên nghiệp, ổn định, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật Xây dựng.
Thái Bình (lược ghi)