|
|
Phó Bí thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trao giải Nhất Giải Báo chí Hải Triều lần thứ IV - 2023 |
Chuyện không đơn giản
Một năm sau khi tốt nghiệp đại học, phải "chạy bở hơi tai” ròng rã gần cả năm trời, đến đầu năm 1987 tôi mới xin được một suất việc làm ở Đài Truyền thanh Hương Phú (cũ) với chức danh tự phong “phóng viên”. Còn nhớ, đó cũng thời điểm khởi đầu công cuộc đổi mới. Ngày 25/5/1987, lần đầu tiên trên Báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L (bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Nội dung yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh và lên án các vụ việc tiêu cực làm ảnh hưởng thanh danh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ngay lập tức, một phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” diễn ra sôi nổi. Cái tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của những bài báo ký tên N.V.L cũng đã nhanh chóng lan truyền đến phóng viên đài huyện chúng tôi. Đồng nghiệp của tôi là L.H.V vốn là phóng viên của Đài Phát thanh Bình Trị Thiên bị “đày” về huyện nên rất “máu me”. Tận dụng các mối quan hệ sẵn có, anh cùng tôi phát hiện nhiều vụ việc trên địa bàn huyện và rồi, rủ các anh ở Đài Phát thanh và Báo Bình Trị Thiên cùng tham gia.
Một trong những vụ việc nổi cộm bấy giờ liên quan đến quy hoạch di dân ở Thủy Vân. Nhận được đơn phản ánh của công dân, thấy vụ việc phức tạp, liên quan đến một vị trong Thường vụ Huyện ủy, anh V. đã “cầu viện” nhà báo N.T.T từ Báo Bình Trị Thiên. Chúng tôi chọn một ngày chủ nhật để cùng đạp xe trực tiếp về cơ sở, quan sát hiện trường, gặp gỡ người dân và trực tiếp yết kiến ông chủ tịch xã. Đáng tiếc, đó là một cuộc tiếp xúc căng thẳng và bởi thế mà bài điều tra cũng được triển khai nhanh chóng. Tôi nhớ ngay lúc đó N.T.T nói rằng, cũng hay, còn nếu được họ thông cảm, rồi mời cơm thân mật… thì e rằng, khó viết.
Bài báo đạt giải nhất báo chí tỉnh Bình Trị Thiên. “Khổ thân” cho anh em tôi ở huyện là ông Bí thư Đảng ủy xã sau đó bị cách chức Thường vụ Huyện ủy, nhưng lại được chuyển lên làm Trưởng ban Tổ chức chính quyền huyện (Trưởng phòng Nội vụ), mà tôi thì còn trong giai đoạn tập sự. Ông này cũng lạ, lên nhận công tác ở huyện là tìm gặp tôi ngay, rồi trở nên quen thân. Sau này chuyện trò, ông cũng nói y chang điều mà đồng nghiệp N.T.T lo lắng, rằng nếu các bạn gặp mình thì mọi chuyện sẽ không đến nỗi. Còn tôi, một sinh viên mới ra trường, vừa hăng hái nhưng cũng nhận ra rằng, báo chí đấu tranh chống tiêu cực không phải là chuyện đơn giản (!).
|
|
Báo Bình Trị Thiên là tờ báo Đảng địa phương đi đầu trong hướng ứng thực hiện "Những việc cần làm ngay" |
Cần báo chí góp sức
Cuộc vận động hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” tạo nên một không khí dân chủ và sôi nổi trong làng báo chí Bình Trị Thiên bấy giờ. Nó cũng góp phần tạo dựng nên những tên tuổi nhà báo chống tiêu cực xứng tầm. Tôi đặc biệt trân trọng một bậc tiền bối, đó là nhà báo Ngô Đức Biền, còn được biết đến với bút danh Hiền Lương. Phụ trách công tác bạn đọc Báo Bình Trị Thiên, ông có tác phong gần gũi, luôn đi đến tận cùng nơi xảy ra các vụ việc tiêu cực để điều tra và tìm hiểu. Cái tên Hiền Lương tạo được ấn tượng mạnh với bạn đọc qua những bài viết ngắn trên chuyên mục “Chuyện hàng tuần”, như: Có chi ký to, Tiền nhất hậu vẫn nhất hay Nhà cha, nhà con… Nhà báo Hiền Lương mất vào tháng 9/1987 để lại nhiều thương xót.
Thật khó quên là không khí báo chí ở Bình Trị Thiên nói chung trong thời kỳ đầu đổi mới. Đi đâu cũng nghe bàn tán về những bài báo và những vụ việc tiêu cực xảy ra. Với tinh thần “cần làm ngay”, nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Báo Bình Trị Thiên mở ngay hội thảo bàn về cách tuyên truyền và phản ánh để đạt hiệu quả 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng và về phê và tự phê bình trên báo. Việc đập phá ngôi nhà 2 tầng ở số 11 Nguyễn Huệ là vụ việc đầu tiên được phanh phui trên báo Đảng bộ địa phương. Báo Bình Trị Thiên số ngày 29/5/1987 khẳng định, việc đập phá ngôi nhà này của Công ty Xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên để xây nhà mới là rất lãng phí, gây chấn động dư luận và buộc các cơ quan chức năng vào cuộc.
Tiếp sau đó là loạt bài chống tiêu cực ở Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, vụ vịt Anh Đào… và tất nhiên, có cả điều tra “Lãng phí, mất dân chủ ở Thủy Vân”. Đáng nói là những tiếng nói từ báo chí được ghi nhận. Ngay đầu tháng 8/1987, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên tiến hành sơ kết Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”. Đánh giá công tác phê bình trên báo chí được quan tâm chú ý. Hội nghị đặt ra yêu cầu báo chí cần đi sâu phê phán cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tư lợi, bảo thủ, coi thường kỷ cương và pháp luật. Cũng thời điểm này, Báo Bình Trị Thiên thành lập Phòng Bạn đọc, do nhà báo Đỗ Quý Doãn, sau này là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, làm trưởng phòng.
Có thể xem chiến dịch “Đốt lò” hôm nay nhằm làm trong sạch bộ máy chính quyền, dẹp bỏ những tệ tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền, quan liêu và những vấn nạn trong bộ máy Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hình thức kế thừa, phát huy và đem những giá trị lý luận của “Những việc cần làm ngay” vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, đang rất cần sự chung tay, góp sức từ báo chí. Có điều đáng nói là, tôi vẫn “thèm” khi chưa tìm thấy sự dấn thân thật sự và nhập cuộc tích cực của báo chí ở Thừa Thiên Huế hôm nay so với gần 40 năm trước đó...