ClockThứ Hai, 12/04/2021 07:45

Nhớ Trường Sơn mùa xuân đại thắng

TTH - Tôi có niềm hạnh phúc lớn lao là có mặt trên đường Trường Sơn huyền thoại trong Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. Ôi Trường Sơn, cái thuở “Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình” (Tố Hữu).

Tháng 7, lại nhớ về Trường Sơn & “đồi 37”Thủ tướng dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Quảng Trị

Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Đầu tháng 12/1974, chúng tôi gồm 8 văn nghệ sĩ, phóng viên của Đài Phát thanh Giải Phóng, đóng ở Hà Nội đã được lệnh chuẩn bị vào Nam công tác. Ai cũng náo nức. Nhưng phải đến một buổi sáng sau Tết Nguyên đán 1975, lúc trời còn chưa rõ mặt người, chúng tôi mới lên đường.

Buổi chia tay nhanh gọn vì phải giữ bí mật. Có tiếng người khóc lặng lẽ. Đoàn đến đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào buổi hoàng hôn, đóng quân tại một đồi phi lao.

Không khí chiến trường lúc này có vẻ im ắng. Sau này mới biết chiến dịch Trị Thiên mở màn ngày 5/3/1975. Ngày 10/3/1975 ta đã đánh vào Buôn Mê Thuột. Đêm 11/3/1975, chúng tôi được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn và đồng chí Hoàng Nguyễn, Cục phó Cục Chính trị tiếp.

Chúng tôi đến trạm T.60 ở Gio Linh tiếp tục tìm hiểu về con đường Trường Sơn huyền thoại. Sổ tay ai cũng chi chít con số, chữ nghĩa; tất cả như muốn thu hết ý nghĩa, tầm cỡ của con đường. Lúc này, chúng tôi hành quân chủ yếu là cơ giới, đến đâu đã có các trạm đón tiếp. Ban đêm có điện máy nổ.

Ngày 18/3/1975, chúng tôi đi trên con đường số 9 anh hùng. Có khi đi qua cả rừng chuối cảm tưởng như làng xóm gần đâu đây. Thỉnh thoảng, những hàng cây ven đồi, triền núi chết khô vì bom đạn, chất độc hóa học. Những người bạn Cu Ba đang thảm nhựa đường. Bộ đội ta làm đường rất khẩn trương, lán trại san sát. Suối Đăk-Rông hoa chuối đỏ tươi, bông lau trắng phơ phất. Đến Khe Sanh lúc 12 giờ trưa. Địa danh này đã vang động cả năm châu. Đến đây mới biết thêm về con suối La La, về dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ. Tin chiến thắng ở chiến trường bắt đầu rộn lên.

Không khí rạo rực, náo nức bao trùm trên các tuyến đường vào Nam. Nhiều đoàn công tác cùng tổ chức đốt lửa trại. Ngồi bên nhau ca hát, ngâm thơ, ca Huế mà lòng không yên vì lúc này chiến thắng từ các chiến trường không ngớt vọng về.

Chúng tôi trên đường vào A Lưới khi thị xã Quảng Trị vừa giải phóng, còn Thừa Thiên Huế đang vào thời điểm quyết định của chiến dịch. Trường Sơn rộn rã đường hành quân. Công binh làm đường trên triền núi. Trời nắng nóng. Xe đi bụi cuốn mù mịt.

Một buổi sáng trong thung lũng A Lưới, mấy anh em chúng tôi chụp ảnh bên xác chiếc máy bay trực thăng được giới thiệu do nữ anh hùng Kan Lịch bắn rơi. Loanh quanh thế nào không tìm được đường về. Bỗng có ba, bốn người đàn ông mang thường phục, có trang bị súng xuất hiện. Chưa kịp hỏi han gì thì chúng tôi được đưa đến một ngôi nhà. Hóa ra chúng tôi đi lạc vào khu vực của một đơn vị thương nghiệp. Các anh chị giữ chúng tôi lại ăn cơm trưa. Được biết, đơn vị thương nghiệp này đã được lệnh may gấp hai cờ giải phóng khổ to, chiều rộng 8 mét, chiều dài 12 mét để chuẩn bị cho ngày giải phóng Huế. Đơn vị mới may được một lá, và vừa chuyển về. Nghe tin mà chúng tôi lặng đi, sửng sốt. Ngày chiến thắng đến rồi sao?

Tin chiến thắng dồn dập làm chúng tôi đứng ngồi không yên. Rồi chúng tôi cũng được lên đường vào khu V. Từng đoàn xe nối đuôi nhau lăn bánh vô hồi, vô tận, động cơ vang vọng núi rừng. Có khi xe đi qua cả một rừng phong lan khoe sắc. Rất nhiều xe các chiến sĩ đã kết những giò phong lan vừa ngụy trang vừa che bụi. Một hình ảnh thật đẹp .

Ở khu V, tôi gặp lại Nguyễn Thành Vinh, bạn học ở truờng đại học. Vinh là phóng viên ảnh của TTXVN. Hai đứa chuyện trò sôi nổi, bỗng Vinh rút từ túi xách ra một bức ảnh, rồi ôm lấy tôi, trầm giọng, mắt ngấn lệ: "Gấp quá! Mình vừa ở đồng bằng về mấy hôm. Nếu không gặp lại sáng mai thì Vinh đã đi về đồng bằng. Phóng viên ảnh hy sinh nhiều. Gửi Khiêm tấm ảnh của Vinh để nhớ ngày gặp nhau. Nếu Vinh chết thì Khiêm cầm tấm ảnh này về cho gia đình Vinh". Nhận tấm ảnh, tôi nghẹn ngào không nói nên lời.

Ở khu V được mấy hôm thì nghe tin Huế giải phóng. Tin chiến thắng tăng thêm sức lực cho các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Đài Phát thanh Giải phóng. Ai cũng biểu diễn hết mình. Các tiết mục của đoàn hòa cùng không khí chiến thắng của chiến trường như các bài hát: Cánh chim báo tin vui, Nắng tháng ba, vở ca kịch cải lương Ngày tàn bạo chúa... nên những đêm biểu diễn càng có ý nghĩa.

Vừa nghe tin Đà Nẵng giải phóng, từ miền núi Quảng Ngãi, chúng tôi được lệnh lập tức lên đường ngược ra Bắc để tiến về Đà Nẵng.

Chúng tôi sống những ngày vô cùng bận rộn và hào hứng ở Đà Nẵng, thì giữa trưa 30/4/1975 được tin Sài Gòn giải phóng. Không ai bảo ai mọi người ùa ra đường. Nhiều người  quá vui sướng vừa chạy vừa hét to lên: “Giải phóng! Giải phóng rồi! Chiến thắng rồi”. Xe cộ đi lại náo nhiệt, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió rợp trời. Tối đến cả phố phường lung linh ánh điện và ánh sáng pháo hoa trên tay mỗi người xuống đường mừng đại thắng.

Minh Khiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giọt mùa xuân nảy mầm

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, luôn là một khúc điệu, một câu tự vấn khi người ta quen với những ca từ thời nào đó xa lắm lấp lánh trên mi mắt, chỉ để ngắm nghía giọt mùa xuân đang lặng lẽ nảy mầm ở trên bầu trời, dưới mặt đất hay chính trong lòng người.

Giọt mùa xuân nảy mầm
Đón mùa xuân

Từ giữa tháng 11, bức tranh thiên nhiên ở Huế bắt đầu được tô điểm bởi những sắc màu mới khi các công viên và điểm xanh trên địa bàn tỉnh “thay áo mới”. Những thảm hoa tươi được trồng tạo nên khung cảnh rực rỡ, tràn đầy sức sống, báo hiệu mùa xuân đang đến gần.

Đón mùa xuân
Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Xuân của niềm tin và khát vọng

Mùa Xuân với những tấm áo phủ đầy lộc biếc mang đến những hy vọng vào tương lai tươi sáng và nguồn sức sống căng tràn. Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà! Sắc Xuân lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Xuân của niềm tin và khát vọng
Return to top