ClockThứ Sáu, 02/04/2021 06:45

Những kỷ vật tái hiện lịch sử

TTH - Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mỗi kỷ vật đều ẩn chứa một câu chuyện mà qua đó lịch sử được tái hiện lại một cách chân thực, sống động, sâu sắc.

Những lá cờ cách mạngThấm sử cho lớp trẻ

Lá cờ Tổ quốc và tem thư có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Điểm tựa tinh thần

Lá cờ Tổ quốc in trên giấy và tem thư có hình Bác Hồ là kỷ vật của cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Thị Rương. Năm 1973, tại bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, bà cùng những tù binh - tù chính trị yêu nước được trao trả, hàng vạn người con trung kiên của đất nước được trở về với cách mạng.

Lá cờ giấy nhỏ bé cùng với con tem có hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập là kỷ vật thiêng liêng trong hành trang của bà Rương ngày trở về. Kỷ vật này đã theo bà trong suốt những năm tháng tù đày. Dù kẻ thù luôn kiểm soát gắt gao, nhưng người nữ tù chính trị đã cất giấu được kỷ vật, sử dụng lá cờ và con tem này trong các dịp lễ bí mật trong tù như mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm ngày mất của Người.

Những kỷ vật này luôn là điểm tựa tinh thần, giúp người chiến sĩ vững ý chí, bền khí tiết người cộng sản trong nhà tù khắc nghiệt của đế quốc Mỹ.

Sau khi được trao trả tại Quảng Trị, mừng vui khi được gặp những đồng chí, đồng đội, đồng bào vùng giải phóng, bà Nguyễn Thị Rương đã trao tặng những kỷ vật quý giá cho nhạc sĩ Minh Phương (lúc đó làm công tác văn nghệ tại Quảng Trị) để ông giữ gìn, bảo quản.

Năm 1999, ông Phương tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để lưu giữ và phát huy giá trị. Hơn 20 năm nằm trong kho lưu trữ của bảo tàng, nhiều lần được đưa ra trưng bày, giới thiệu với công chúng, hành trình đầy kỳ tích của lá cờ Tổ quốc và con tem có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhà tù khắc nghiệt Côn Đảo trở về với cách mạng, với kháng chiến luôn tạo nhiều cảm xúc của công chúng đến tham quan.

Bút máy Hồng Hà-kỷ vật của liệt sĩ Giang Văn Mùi

Di vật được tìm thấy trong mộ liệt sĩ

Trong hàng ngàn hiện vật được bảo tàng lưu giữ có hai chiếc bút mực Hồng Hà màu đen, nhỏ nhắn, bình dị ẩn chứa câu chuyện vô cùng cảm động. Hai chiếc bút là di vật được tìm thấy trong đợt cất bốc mộ liệt sĩ tại khuôn viên Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, TP. Huế vào năm 2001. Địa bàn Trường THCS Nguyễn Chí Diểu là nơi đơn vị đặc công đã tham gia chiến dịch Xuân 1968. Trong các trận đánh ác liệt, ba chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Tại ngôi mộ số 3, khi cất bốc hài cốt đã tìm thấy 2 chiếc bút Hồng Hà, trên thân bút có khắc dòng chữ Giang Văn Mùi. 

Ngày 15/6/2001, Đội 192, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đưa các anh vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Huế. Người chiến sĩ Giang Văn Mùi cùng đồng đội nằm lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, chiếc bút Hồng Hà đã theo người chiến sĩ trên các nẻo đường chiến trận, viết nên những bức thư, lời tâm tình, kết nối đồng chí, đồng đội, hậu phương và tiền tuyến, trở thành di vật quý giá của người liệt sĩ. Dù chưa tìm được quê quán nhưng các anh đã an nghỉ trên mảnh đất Việt Nam hòa bình và độc lập như mong mỏi của các anh lúc sinh thời.

Lá cờ Trung ương Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương

Lá cờ tặng Tiểu đội 11 cô gái  sông Hương

Nhắc đến Huế thời chống Mỹ, ai cũng nhớ đến chiến công lẫy lừng của 11 cô gái sông Hương. Ngày ấy, các nữ dân quân cùng ở tiểu đội Thiên Thủy, xã Thanh Thủy, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Tiểu đội gồm 11 người, tuổi từ 16 đến 19, là những cô gái Huế dịu dàng, thùy mị nhưng cũng không kém phần quật cường, gan dạ, kiên trung. Tiểu đội thành lập từ tháng 12/1967.

Trong Chiến dịch Xuân 1968, tiểu đội được giao nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực vào thành phố, tham gia các trận đánh… Trong chiến dịch, 4 chị của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã anh dũng hy sinh, gồm các chị: Hoàng Thị Sau; Đỗ Thị Hoa (hy sinh ngày 12/2/1968); Hoàng Thị Hết; Nguyễn Thị Diên (hy sinh ngày 24/2/1968). Khi cuộc chiến nổ ra khốc liệt, chị em đều động viên nhau cầm súng đến hơi thở cuối cùng. Mọi người còn nhớ chị Hoa dặn đồng đội: “Nếu chị chết, khi gặp mạ chị thì nói chị đi Bắc để mạ khỏi đau lòng. Không ngờ sau đó...”.

Sau Xuân 1968, Tiểu đội chỉ còn 7 người và được bổ sung lực lượng, nâng cấp thành Trung đội Võ Thị Sáu. Năm 1969, Tiểu đội phó Hoàng Thị Cúc khi về thành phố làm nhiệm vụ đã hy sinh. Tháng 4/1972, Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tiểu đội 11 cô gái sông Hương chỉ còn 5 người và họ tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Với chiến công vang dội, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương vinh dự được Bác Hồ gửi thơ khen: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường. Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường. Bác khen các cháu dân quân gái. Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Tiểu đội cũng được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ khen thưởng. Lá cờ hình tam giác, nửa đỏ, nửa trắng, ghi dòng chữ  “Mười một nữ tự vệ dũng cảm của thành phố Huế. 1968” - “Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tặng”.

Sau năm 1975, Lá cờ được Hội Liên hiệp phụ nữ Bình Trị Thiên lưu giữ, đến năm 1987, tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Hàng ngàn kỷ vật được bảo tàng lưu giữ là hàng ngàn câu chuyện được ghi chép chân thực và sống động, trở thành những chứng nhân quan trọng của lịch sử, nhắc nhớ cho các thế hệ hôm nay và mai sau về sự hy sinh của thế hệ cha anh cho độc lập và tự do của dân tộc. 

Bài, ảnh:  Hoàng Liên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long
Cử tri kỳ vọng về những quyết sách “lịch sử”

Chưa bao giờ một kỳ họp Quốc hội được cử tri, Nhân dân Thừa Thiên Huế mong chờ đến thế. Cũng đúng thôi khi trong chương trình nghị sự tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Kỳ họp), Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cử tri kỳ vọng về những quyết sách “lịch sử”
Khơi gợi niềm yêu thích với lịch sử

Kết thúc kỳ nghỉ hè vừa qua, nhiều học sinh đã có những chuyến tham quan đến các khu di tích in đậm dấu ấn lịch sử. Tôi đặc biệt ấn tượng khi bắt gặp hai ông cháu ở Phong Điền vào Huế từ rất sớm. Người ông là cựu chiến binh, dẫn cháu trai 10 tuổi đến tham quan Kỳ Đài, Đại Nội và dừng lại khá lâu ở làng Dương Nỗ. Ông bảo, tối qua tôi phải vào đọc thêm tư liệu để có “vốn liếng” mới thuyết minh được cho cháu khi đến những điểm di tích. Cậu bé có vẻ thích thú với các câu chuyện lịch sử nên cứ hỏi mãi, bày tỏ mong muốn tìm hiểu, khám phá về di sản văn hóa.

Khơi gợi niềm yêu thích với lịch sử
Return to top