ClockThứ Tư, 03/05/2023 07:02

Những người đầu tiên “gieo chữ” ở A Lưới

TTH - Ngày đầu giải phóng, những giáo viên bắt đầu công việc “gieo chữ” ở A Lưới bằng cách cùng với người dân dựng trường và mở lớp.

Trao 15 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở A Lưới Nhiều diện tích đất ngập phát sinh lòng hồ thủy điện A Lin chưa được đền bù thỏa đáng Câu lạc bộ Phú Xuân thăm chiến trường xưa tại huyện A Lưới

leftcenterrightdel
Trung tâm thị trấn A Lưới được đầu tư ngày càng khang trang 

Gập ghềnh đường xa 

Đã 48 năm rồi, ông giáo Trần Đình Long vẫn không quên được thời khắc lịch sử, khi ông cùng 81 giáo sinh Trường đại học Sư phạm Huế, niên khóa 1973 - 1975, được điều động lên dạy học tại A Lưới và Nam Đông. Buổi lễ chia tay ngày ấy ở Huế thật đặc biệt, khi có sự hiện diện động viên của Trung tướng Lê Tự Đồng, Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong tâm trí của họ, A Lưới là vùng đất cách mạng oai hùng và xa lạ, nhưng cũng đong đầy những ân tình phải trả.

Đoàn đi A Lưới có 66 giáo sinh. Một chuyến đi nhớ đời với họ. Sáng 15/10/1975, ông Long và bè bạn được xe chở đến vùng kinh tế mới Bình Điền. Từ đó, họ bắt đầu hành trình “cuốc bộ” dọc theo đường 12, thuở hồng hoang dốc cao dựng đứng, lởm chởm đá. Đến địa phận xã Hồng Hạ, họ phải vượt sông Bồ nước đang dâng rất cao và chảy xiết.

Ông Long không kìm nén được cảm xúc: “Chật vật và mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi đã qua được sông an toàn. Trời xẩm tối, chúng tôi phải ngủ lại xã Hồng Hạ, lạnh và muỗi quá nhiều, giấc ngủ cứ chập chờn... Sau này tôi mới biết, mình đã đi qua các cứ điểm một thời khét tiếng, như Batton, đèo Tà Lương, chinh phục được đường 12 hay đèo Bốt Đỏ…”.

A Lưới trước mắt ông Long bấy giờ là một thung lũng rộng lớn, hoang vu đầy bí ẩn. Cơ quan Phòng Giáo dục cách Bốt Đỏ vài cây số chỉ là những căn nhà nhỏ, tre nứa. Cả đoàn ở lại đây vài ngày để chờ nhận quyết định về trường, xa nhất phía nam có Hương Nguyên, phía bắc có Hồng Thủy và mỗi trường có biên chế 3 giáo viên. Ông Long được phân công về xã Hồng Vân, cách đó khoảng 20 cây số, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Pa Cô. Ông Nguyễn Đức Tráng là đồng nghiệp năm xưa của ông Long được phân về xã A Ngo. Còn nhiệm sở của ông Lê Quang Tùng, một người bạn khác ở tận xã Hồng Quảng.

Những tháng ngày “ba cùng”

Ở A Ngo, lúc đầu ông Tráng và các bạn phải tận dụng lán trại cũ của quân đội. Họ bắt đầu nghề giáo bằng cách cùng với người dân vào rừng đốn cây, lồ ô, lá mây… để dựng trường và mở lớp. Lồ ô đập dập và trải rộng làm bàn học, các thân cây nhỏ thì làm ghế ngồi cho học sinh, tấm ni lông được phòng giáo dục cấp dùng làm bảng viết.

Ông Tráng nhớ lại hình ảnh của chính mình, khi đó chẳng khác người lính đi B, cũng mũ tai bèo và cũng dép lốp; không có lương mà chỉ là sinh hoạt phí, mỗi tháng 5 đồng. Những tháng đầu tiên “xài ké” gạo của bộ đội để lại trong các lán trại quanh vùng. Đó là thứ gạo để lâu ngày, ẩm mốc và mọt đen. Nhớ nhất là “tà lục tà lạo”, một loại thức ăn hổ lốn, gồm gạo, sắn, rau, thịt, cá… Lần đầu tiên, ông Tráng thấm thía phương châm “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở và cùng làm.

Cật lực chuẩn bị nhưng mãi đến cuối năm 1975, A Ngo và các xã mới mở được những lớp học đầu tiên và cũng chỉ có lèo tèo dăm ba học sinh mỗi lớp. Gọi là học sinh, nhưng không em nào có giấy khai sinh và có tên để gọi. Vậy là, giáo viên được phép đặt tên, đặt họ cho các em. Nhiều em đến lớp phải địu theo em bé sau lưng. Học sinh vùng kinh tế mới đi học có em phải nhịn đói, hoặc chỉ ăn khoai sắn qua bữa. Buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều phụ đạo thêm. Chưa kể, công việc chính của thầy, cô giáo phải băng rừng, vượt suối, có nơi hàng chục cây số vào ban đêm để mang cái chữ Bác Hồ đến với đồng bào nơi đại ngàn Trường Sơn. Đâu dám mơ đến chiếc xe đạp, đi lại chủ yếu bằng đôi chân; về huyện họp có nơi phải mất 2 - 3 ngày. Còn dịp tết hay các kỳ nghỉ, phải đi bộ về nhà, bởi xe khách mỗi ngày chỉ có đúng một chuyến và đi xe cũng có những nỗi khổ khó nói.

“Cái chữ không làm no cái bụng” là câu nói cửa miệng của bà con dân tộc ít người, cho thấy khó khăn mà các giáo viên trẻ ngày ấy phải trải qua khi vận động phụ huynh cho con đến lớp. Họ đã phải học tiếng dân tộc để có thể nói chuyện với già làng khi vận động học sinh đến lớp. Các em không chuyên cần, thường xuyên nghỉ học theo bố mẹ lên nương rẫy hoặc ở nhà trông em. Học sinh đến lớp người cáu bẩn, thầy cô phải cắt tóc, cho ăn và cả tắm rửa nữa. Học sinh chưa nói rõ tiếng phổ thông nên cả thầy lẫn trò như “đánh vật” với nhau. Giáo viên không hiểu học sinh nói gì, còn các em không thích học thì cứ rứa thản nhiên… đi ra ngoài.

“Người của he”

Năm 2015, những giáo viên từng một thời ở A Lưới lần đầu tiên tổ chức chuyến đi “Về lại mái trường xưa”. Đến năm 2018, họ lại tiếp tục cuộc hành hương với tên gọi “Về nguồn”. Và trong những tháng Tư lịch sử này, họ lại tiếp tục một chuyến đi mới mang tên “Hội ngộ A Lưới”. Sau lứa giáo viên đầu tiên của Trường đại học Sư phạm Huế năm ấy, liên tục giáo sinh của các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm… đến A Lưới “gieo chữ”. Trong giây phút đầy hoài niệm, ông Nguyễn Đức Tráng bảo rằng, chỉ có hơn 5 năm dạy học nhưng A Lưới đã là tuổi trẻ, là vùng đất của nghĩa tình mà đi suốt cả cuộc đời ông không thể nào quên được.

Ngày ấy, mọi thứ đều phải tự cung và tự cấp. Hàng ngày, hết giờ lên lớp là lúc thầy cô đi thả lưới bắt cá, chăm vườn rau... Được cái, bà con rất thương, hôm cho con gà, khi cho mớ rau, lúc vài lon gạo... Đó là nguồn động viên lớn lao, giúp họ bám trụ dạy chữ.

Ông Lê Quang Tùng tâm sự, dù phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng rất vui khi được đồng bào ở A Lưới gọi là “người của he”, tức là người của đồng bào, là người tốt, rất đáng tin cậy. Với thầy giáo Tùng, A Lưới còn là duyên nợ. Chính ở vùng đất này, ông đã gặp vợ là bà Trần Thị Ty, một cán sự y tế, công tác tại Bệnh viện A Lưới, nơi mà vào năm 1978, ông bị sốt rét cấp tính nặng, phải nằm điều trị ở đó đến 16 ngày. Nhớ lại những tháng ngày ốm đau, ông Tùng da diết bảo, đồng nghiệp, học trò và phụ huynh, ai cũng lo lắng và chăm sóc tận tình như người thân trong một nhà.

Ông Trần Đình Long xúc động khi nhắc về những chuyến đi thăm lại A Lưới. Cùng với việc được đón tiếp trọng thị tại huyện, các giáo viên cũng được các xã đến đón về thăm lại trường cũ. Người xưa giờ “người còn, kẻ mất”, cảnh xưa cũng đã thay đổi nhiều. Thay cho những mái trường tranh - tre - nứa - lá là ngôi trường khang trang mà ngay cả ở vùng miền xuôi cũng là mơ ước của một thời. Còn nữa, rất nhiều học sinh thời ông Long cùng đồng nghiệp lên “gieo chữ”, đã trưởng thành và là những cán bộ chủ chốt của huyện, của xã. Những “hạt giống” xưa gieo trồng trong gian nan nay đã thành quả ngọt. Với ông Long, ông Tùng hay ông Tráng, rời xa bục giảng cả chục năm rồi, đang bước vào tuổi “cổ lai hy” đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn.

Bài: HUẾ THU - Ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn

Sáng 18/12, Công an huyện A Lưới cho biết, đang phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh điều tra làm rõ vụ tai nạn lật xe đầu kéo trên đeo A Co (huyện A Lưới) khiến tài xế tử nạn.

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn
Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại huyện A Lưới đã tạo ra những thay đổi lớn, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và mang lại diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao.

Cảm hứng sống xanh từ A Lưới
Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới

Với mô hình Đoàn cơ sở “3 chủ động”, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn huyện A Lưới đã tạo chuyển biến tích cực trong phong trào đoàn, cũng như công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên, thanh niên.

Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới
Return to top