Lãnh đạo tỉnh và các ban ngành thị sát tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Đại Nội-Huế
Giảm 50% phí tham quan di tích từ ngày 8/5-31/7/2020
Theo tờ trình của UBND tỉnh, những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch.
4 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Thừa Thiên Huế giảm 50% so với cùng kỳ; khách lưu trú giảm 44,95%; doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp du lịch giảm 21%; tổng doanh thu từ du lịch giảm 45%. Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 4 tháng khoảng 2.250 tỷ đồng.
Việc đề ra các giải pháp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; thực hiện các chương trình kích cầu để phục hồi và phát triển ngành du lịch trở lại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Ngoài giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8/5-31/7/2020, UBND tỉnh đề xuất nhiều giải pháp kích cầu. Đó là tổ chức Hội nghị lữ hành toàn quốc vào cuối tháng 5/2020 nhằm kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch; công bố các gói kích cầu của tỉnh tại hội nghị, đồng thời giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương. Cùng với đó, triển khai gói kích cầu của chính quyền trong năm 2020 tại các điểm di tích; xây dựng và triển khai gói kích cầu của các doanh nghiệp, kết hợp với gói kích cầu của chính quyền; kết nối với Đà Nẵng, Quảng Nam để hình thành các gói kích cầu, chương trình tour ưu đãi liên kết miền Trung; tập trung phát triển, tổ chức có chất lượng các lễ hội, sự kiện hấp dẫn, có điểm nhấn để thu hút du khách…
Đô thị Huế trong tương lai sẽ được mở rộng theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Ảnh: TT
Sớm trình đề án Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương lên Quốc hội
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua các đề án: Cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm sớm trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội trong năm 2021.
Trong đó, việc triển khai xây dựng Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế rất cần thiết, là dịp để tổng rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đô thị, làm rõ các yếu tố đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế. Qua đó, đề xuất các tiêu chí có tính đặc thù trong phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính, là điều kiện cần để đảm bảo điểm số phân loại đô thị loại I đối với Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng đề án trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất cao và cho rằng, các đề án được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế, đó là tính chất đặc thù về lịch sử, văn hóa và di sản để đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí cơ bản đảm bảo được các giá trị di sản của đô thị và mối quan hệ của di sản và đô thị; hài hòa giữa vấn đề bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa - xã hội,...
Theo các tiêu chí đô thị loại I, Thừa Thiên Huế có các tiêu chuẩn khó đạt được do các yếu tố đặc thù, bao gồm: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển KT-XH và tiêu chí về mật độ dân số. Theo tiêu chí phân loại đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế có các tiêu chuẩn chưa đạt được, bao gồm: Tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện; cơ cấu, trình độ phát triển KT-XH. Do đó, Ban Kinh tế- Ngân sách đề xuất thêm các tiêu chí đặc thù để phân loại đô thị cho đô thị Thừa Thiên Huế; các tiêu chí đặc thù về đơn vị hành chính.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, những nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua rất quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển KT-XH. Để thực hiện tốt các nghị quyết và chủ trương của HĐND tỉnh, ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành các quyết định cụ thể để triển khai thực hiện; Thường trực, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với MTTQ các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
HĐND tỉnh thông qua quyết định đầu tư 4 dự án chỉnh trang đô thị Huế: Cải tạo, chỉnh trang đồi Vọng Cảnh (13 tỷ đồng); cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân (khoảng 20,5 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội (127 tỷ đồng); tuyến đường dọc bờ sông Hương đoạn cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa (120,5 tỷ đồng). |
Bài, ảnh: Thái Bình