Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đã hăng hái thi đua trong mọi lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Phong trào thi đua đã khơi dậy lòng yêu nước, động viên được sức mạnh tiềm tàng trong Nhân dân, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Đảng và Nhà nước, phong trào thi đua được tiếp tục đẩy mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức và bằng nhiều phong trào, làm cho thi đua trở thành một động lực thúc đẩy mọi mặt sản xuất và chiến đấu tiến lên.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được phát huy, đã tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo ra môi trường lành mạnh, trong sạch để Nhân dân yên tâm phấn khởi, đồng thời tích cực gắn phong trào thi đua yêu nước với việc phát động toàn dân tăng cường đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
“Yêu nước” là một khái niệm rộng và bao quát, nhưng lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận khái niệm “yêu nước” với tư tưởng hết sức tiến bộ, giản dị và dễ hiểu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Để giải thích cho luận điểm “thi đua là yêu nước”, Người chỉ rõ: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta - bộ đội, công, nông, lao động trí óc - đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh”.
Sau hơn 4 tháng khi Bác viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ vào tháng 10/1948, Bác Hồ kính yêu đã từng nói rằng: "...Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng "bàn giấy", "công chức hoá", cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả". Vấn đề thi đua cũng được Bác Hồ coi trọng trong những thời gian cụ thể. Khi đất nước đang trong cơn đau của nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm, Người viết thư khuyên đồng bào nên tiếp tục phát triển chí khí xung phong trong phong trào thi đua ái quốc để: "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm". Những ngày đón tết, vui xuân, Người vẫn không quên nhắc nhở mọi người, mọi ngành, mọi cấp phải ra sức thi đua với nhau, bởi "Người người thi đua, Ngành ngành thi đua, Ngày ngày thi đua" thì "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua".
Với Bác Hồ, công tác thi đua không chỉ có "phát" mà nhất thiết phải "động", phải liên tục, nhất là những năm "ta vừa kháng chiến vừa thi đua ái quốc". Điều đáng chú ý là sau một năm tổng kết phong trào, Bác Hồ lại nêu lên những vấn đề thi đua nối tiếp rất thực, cụ thể như: "Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ... Các cháu thiếu niên thì thi đua tòng quân. Cán bộ trong cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi người công việc... Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua". Người cũng chỉ ra những khuyết điểm mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn và mang tính thời sự. Người nói: "Có nhiều nơi Nhân dân mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của cuộc thi đua ái quốc...Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua". Và Người lấy ví dụ: "Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm đất ruộng cho tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy". Người khẳng định: "Thi đua là phải toàn dân, toàn diện. Trong cái việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Chính vì vậy, Người vừa khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, vừa quan tâm đến công tác, khen thưởng, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương người tốt, việc tốt.
Hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ cách mạng đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, lan rộng khắp mọi mặt của đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến trước đây và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc
Sáng 8/6, tại Trung tâm Văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa -Thông tin huyện tổ chức Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018).
Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng 50 tác phẩm được tuyển chọn từ 492 tác phẩm của 204 họa sĩ chuyên và không chuyên trên toàn quốc gửi tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Các tác phẩm trưng bày triển lãm thể hiện rõ nội dung, đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật; thể hiện trí tuệ, tài năng của các họa sĩ; gửi gắm những thông điệp mạnh mẽ về vị trí, vai trò và sức mạnh to lớn của phong trào thi đua yêu nước, khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước qua từng giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
Thanh Ngàn
|
PHAN CÔNG TUYÊN