Trang bìa Thừa Thiên Huế Cuối tuần 1006
Ở mục diễn đàn có bài viết của tác giả Nguyễn Lê: “Đất vàng giờ thật sự là vàng”, khi đề cập đến các khu đất vàng ở một số trục đường chính trên địa bàn TP. Huế, tác giả nhận định: “Xét ở khía cạnh kinh tế, nếu như các khu đất vàng được giao quyền sử dụng cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính và tổ chức hoạt động kinh tế, thì ngoài thu được tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, tỉnh còn thu được thêm từ nguồn đóng góp thuế mà các nhà đầu tư này đưa lại từ hoạt động kinh doanh. Nó còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Nếu thực hiện quy hoạch và kiến trúc tốt, nó còn góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị… Rất nhiều cái lợi”.
*Hoa hậu Việt Nam Đặng Thị Ngọc Hân ở mục gặp gỡ chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về lý do gắn bó với Festival Nghề truyền thống Huế nhiều năm qua:
“Ngọc Hân yêu vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng của Huế. Càng đến Huế nhiều lần, Ngọc Hân càng hiểu thêm văn hoá Huế và đây là cơ hội tốt để Ngọc Hân có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo cho các bộ sưu tập của mình. Hơn nữa, Festival Nghề truyền thống Huế hội tụ tinh hoa nghề Việt, đây cũng là cơ hội lớn cho những người làm nghề thiết kế, nhất là những nhà thiết kế còn non trẻ như Ngọc Hân thì được đi, được thấy, tiếp xúc với các nghệ nhân, các làng nghề, Ngọc Hân càng có thêm cơ hội để tìm hiểu văn hoá, đó không chỉ là kinh nghiệm, trải nghiệm mà là vốn sống cần thiết cho những hoạt động nghệ thuật, sáng tạo của Hân sau này và Ngọc Hân nghĩ, được tham dự Festival Nghề truyền thống Huế là cơ hội tốt mà không phải nhà thiết kế trẻ nào cũng có được.
Trang gặp gỡ của Thừa Thiên Huế Cuối tuần 1006
*Trang 6&7, về văn hóa-nghệ thuật có bài: “Lặng lẽ sơn mài” của tác giả Minh Hiền phản ánh về thực trạng của tranh sơn mài hiện nay: “Việt Nam tự hào là quốc gia đã phát minh ra chất liệu sơn mài sử dụng trong ngành mỹ thuật. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, sơn mài truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một”.
Tác giả dẫn lời PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế để nói về lý do tranh sơn mài ngày càng bị mai một: “Số họa sĩ sáng tác tranh bằng sơn mài truyền thống (sơn ta) ngày càng ít mà đa số dùng sơn Nhật, vì dễ mua, giá thành rẻ. Vóc cũng ít làm bằng gỗ như ngày xưa mà bằng các chất liệu hiện đại”.
Ngoài ra số báo này còn có nhiều bài, phóng sự, chuyên mục hấp dẫn khác, trân trọng kính mời quý bạn đọc đón đọc vào ngày mai (2/5).
Thừa Thiên Huế Cuối tuần