Theo Cục y tế Dự phòng, Việt Nam là nước dẫn đầu Đông Nam Á về mức tiêu thụ rượu, bia. Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) tăng nhanh, từ 3,8 lít cồn/người/năm giai đoạn 2003 - 2005 lên 6,6 lít cồn/người/năm giai đoạn 2008 -2010 (tăng 74%). Đáng quan ngại là xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng.
Liên quan đến việc lạm dụng bia, rượu, số liệu thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm, Việt Nam có trên 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có từ 30-40% trường hợp liên quan đến sử dụng rượu, bia. Việc lạm dụng bia rượu cũng liên quan trực tiếp đến 1/3 vụ bạo lực gia đình. Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cũng cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tâm thần và có xu hướng gia tăng. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân của 31% vụ án gây thương vong, 33% vụ hiếp dâm tại Việt Nam. Chi phí giải quyết tác hại của rượu bia đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách. Ước tính, tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3% - 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với trên 3 tỷ lít bia được tiêu thụ hàng năm, ước tính Việt Nam tiêu tốn khoảng 60.000 tỷ đồng.
Tại Thừa Thiên Huế, dù tai nạn giao thông giảm hàng năm về số vụ, số người chết nhưng vẫn ở mức cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 232 vụ tai nạn giao thông, làm 76 người chết và gần 200 người bị thương. Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, thiếu chú ý quan sát...và lái xe khi đã sử dụng rượu, bia.
Ở nước ta, rượu, bia là hai sản phẩm đồ uống có cồn phổ biến, chiếm gần 99% thị phần với khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp. Ngoài một số ít cơ sở sản xuất được đăng ký, ước tính, hiện vẫn còn khoảng hơn 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được chất lượng và tiêu dùng trong khi 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Công tác quản lý bán lẻ rượu, bia chưa nghiêm, người mua dễ dàng tiếp cận, từ các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hoá, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng giải khát, kinh doanh ăn uống, quán nước vỉa hè…, thậm chí tại căng tin, nhà ăn của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp. Chưa có quy định nào hạn chế thời gian bán, số lượng rượu được phép bán để uống tại chỗ. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia dù đã có quy định cấm hoặc hạn chế nhưng vẫn còn các trường hợp vi phạm. Thực trạng pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện nay chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với phòng, chống tác hại của rượu, bia và đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời.
Từ thực trạng trên, cử tri, nhân dân cả nước mong chờ dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu sẽ được thảo luận, cho ý kiến tích cực và kỹ lưỡng tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XIV (dự kiến được thông qua vào năm 2019), nhằm hoàn chỉnh cơ sở pháp lý với biện pháp, quy định chặt chẽ, khả thi để giảm thiểu mức tiêu thụ, lạm dụng rượu bia, giảm bớt gánh nặng hệ lụy mà việc lạm dụng rượu, bia gây ra cho xã hội.
NHẬT NGUYÊN