Sau cây dứa, sắn, cà phê, thanh trà, chuối già lùn, dưa lưới… mới đây, sâm Bố Chính được xem là giống cây mới nhiều triển vọng đang được trồng thử nghiệm.
Bước đầu, 15 hộ dân ở thị trấn A Lưới đang trồng thử nghiệm, cho thấy hiệu quả rõ rệt khi 1 sào đất trồng loại cây này, sau 8 tháng chăm sóc, cho thu nhập trên dưới 40 triệu đồng. Theo tính toán của người dân, hiệu quả trồng cây sâm Bố Chính cao gấp 20 lần so với trồng hoa màu. Lá dùng pha trà, củ bán làm thuốc, thân xay làm thức ăn gia súc, người dân hy vọng, nếu có đầu ra, được bao tiêu, cây sâm Bố Chính sẽ là cây trồng có triển vọng xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện, một công ty đang đặt hàng thu mua sâm Bố Chính để làm dược liệu cho người dân với mục tiêu phát triển lên khoảng 20ha cho những năm tới tại xã Quảng Nhâm và một số xã lân cận.
Ngoài cây sâm Bố Chính, A Lưới cũng đang có kế hoạch định hướng người dân trồng cây mắc ca, được xác định là cây chiến lược trong kế hoạch mục tiêu quốc gia của huyện về phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số.
Việc xuất hiện thêm những loại cây trồng mới nhiều triển vọng cho thấy tiềm năng mở về thổ nhưỡng của Thừa Thiên Huế để đa dạng hóa cây trồng. Nhưng thực tế cũng cho thấy, đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn loay hoay thử nghiệm để tìm ra cây trồng chủ lực.
Lịch sử cho thấy, nhiều cây trồng đã được đầu tư, từ cây mía phục vụ chế biến đường đến cây dứa, cây sắn, cây ớt, cây cà phê, cây hồng… Sau cây thanh trà ở TP. Huế và một số huyện, thị, mấy năm lại đây, một số cây đặc sản cũng được phục hồi, phát triển như chuối già lùn, cam Nam Đông, bên cạnh những cây trồng mới như cà gai leo, dưa lưới… Nhiều loại cây trồng được thử nghiệm, được định hướng phát triển nhưng đến nay mới ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được giá trị lớn, đặc biệt là giá trị xuất khẩu.
Tại Hội thảo khoa học "Xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu" được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức gần đây, các chuyên gia xác định, với 28 nhóm sản phẩm chủ lực, Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội mở rộng thị phần. Tuy nhiên, đối với sản phẩm nông nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc do đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp tại địa phương nhỏ, cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình chiếm đại đa số, nhận thức và điều kiện vật chất, con người chưa đáp ứng… Với những khó khăn như vùng nguyên liệu phân tán, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, năng lực doanh nghiệp chưa cao, liên kết chưa tốt…, việc chọn cây trồng chủ lực nào để tạo đột phá cho nghành nông nghiệp của tỉnh vẫn đang là ‘‘điểm nghẽn”.
Với 1.126 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước, Thừa Thiên Huế cũng được nhìn nhận là địa phương có nhiều dư địa về nguồn dược liệu mà cây sâm Bố Chính là một ví dụ. Trong định hướng phát triển, tỉnh xác định sẽ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dược liệu khu vực Bắc Trung bộ và của cả nước với sản phẩm tham gia thị trường dược liệu trong nước, khu vực và vươn ra thế giới.
Tiềm năng, triển vọng không nhỏ, nhưng để vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ hiện nay, để chọn được cây trồng chủ lực, ví dụ như cây dược liệu, cần chiến lược, cơ chế, chính sách, sự đầu tư thích đáng cho sản phẩm đặc thù. Đầu tư cho nghiên cứu nguồn gen, công nghệ sản xuất, chế biến, nhân rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo có số lượng sản phẩm lớn cung ứng cho thị trường…, tránh tình trạng hễ có cây trồng mới, có triển vọng thì phát triển tự phát, rời rạc, nhanh chóng lụi tàn khi kết nối cung - cầu, thị trường đầu ra nghẽn; chất lượng, số lượng chưa đáp ứng...
Kim Oanh