Làm việc với đoàn có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, liên quan.
Nhiều vùng ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền nước lũ ngập sâu
Đỉnh lũ sông Bồ vượt ngưỡng lũ lịch sử 1999
Mưa lớn cộng triều cường, thêm ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tại Thừa thiên Huế có mưa to, rất to, lượng mưa đo được gần bằng lượng mưa tháng 11/1999. Đến 4h sáng nay, sông Hương xấp xỉ báo động ba, sông Bồ vượt báo động ba 0,66m. Đoạn sông Bồ tại Phú Ốc đạt đỉnh, vượt mức lũ lịch sử năm 1999. Mưa lũ đã làm 1 người chết, 6 người bị thương.
Đến 7h ngày 10/10, đã có hơn 2.800 hộ dân phải rời bỏ nhà cửa để đến nơi tránh lũ, hơn 24.500 ngôi nhà bị ngập sâu. Giao thông bị ách tắc tại nhiều địa phương. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua Hương Trà, Hương Thủy có đoạn bị ngập sâu. Đường sắt qua Thừa Thiên Huế bị ngập, sạt lở nhiều vị trí. Bờ sông Hương đoạn qua phường Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lơn 100m, bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km.
Điện lực Thừa Thiên Huế đã cắt điện chủ động tại các địa bàn bị ngập sâu. Học sinh, sinh viên trên địa bàn đã phải nghỉ học từ ngày 8/10. Trong những ngày tới, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Thừa Thiên Huế có thể nằm trong vùng ảnh hưởng, tiếp tục hứng chịu mưa lớn.
Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng tránh bão lũ, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Các lực lượng vũ trang được huy động chuẩn bị tàu thuyền, xe cao để ứng cứu người dân. Các địa phương sẵn sàng xuất kho dự trữ, kích hoạt công tác cứu trợ.
Chuẩn bị tốt công tác ứng phó
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Xuân Thành - Trưởng đoàn công tác đánh giá, trong những ngày vừa qua có nhiều điểm mưa thực tế vượt dự báo nhiều trạm trên 1.500mm, các sông nước đều dâng cao. Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT và BCH tỉnh đã rất chủ động trong công tác chuẩn bị và ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, đã thực hiện chỉ đạo nghiêm theo các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, tổ chức di dời dân khi cần thiết, đã chủ động chỉ đạo các hồ chứa cắt lũ cho hạ du trước khi mưa lũ xảy ra.
Trước tình hình dự báo tiếp tục có mưa lớn, ông Vũ Xuân Thành lưu ý tỉnh cần chú trọng đến khu vực hạ du lưu vực sông Hương, có thể có nguy cơ ngập lụt xảy ra, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục theo dõi diễn biến, sẵn sàng vật tư, phương tiện và lực lượng sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Chỉ đạo cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân để chủ động phòng tránh, đồng thời rà soát trang trại chăn nuôi để đảm bảo an toàn, di dời khi có nguy cơ ngập lụt, tránh thiệt hại lớn. Cử người canh gác tại các vị trí ngập lụt, hướng dẫn người dân di chuyển khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông đang đi vào dự kiến ngày 11-12/10, cần chuẩn bị đầy đủ lương thực khi mưa lũ kéo dài, triển khai.
Cùng ngày, đoàn có chuyến khảo sát tại Thủy điện Bình Điền để kiểm tra công tác vận hành hồ chứa.
Chú ý phương án “tự quản tại chỗ”
Đoàn kiểm tra Trung ương theo dõi mực nước sông Hương tại khu vực cầu Tuần trong ngày 10/10
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, nhờ chủ động trong công tác ứng phó mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ” nên đã khắc phục thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ lũ chồng lũ đang hiện hữu rất cao. Vì vậy, Ban chỉ đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng các phương án ứng phó mưa lũ để kịp thời cứu trợ, sơ tán người dân khi cần thiết; đồng thời chuẩn bị các nhu yếu phẩm để ứng phó với mưa lũ trong thời gian dài, đặc biệt là vùng hạ du với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Trước tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến bất lợi, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục duy trì các biện pháp phòng tránh mưa bão như đã triển khai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, không được chủ quan, lơ là, có thêm những biện pháp bảo vệ người và tài sản, cung cấp lương thực thực phẩm theo kịch bản mưa lũ kéo dài. Đồng thời yêu cầu cần có những dự báo tốt, đúng tình hình và truyền thông nhanh, chính xác, tránh gây hoang mang đến người dân để người dân phòng tránh trước diễn biến mưa lũ phức tạp.
Trước một số vụ việc bất cẩn dẫn đến chết người, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu lưu ý chính quyền cấp cơ sở cần quán triệt phương án “tự quản tại chỗ”, có giải pháp tuyên truyền người dân không được ra vùng lũ đánh bắt cá, chim, chuột; quản lý con em trong gia đình trong mùa mưa lũ. “Tính mạng của người dân phải được đặt lên trên hết, do đó từng cộng đồng dân cư, từng gia đình phải tự quản lý người trong cộng đồng, trong gia đình một cách tốt nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người do chủ quan” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thái Bình