|
Các nữ chiến sĩ Sông Hương đọc thơ Bác Hồ tặng năm 1968. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế |
Đối với nhân sĩ trí thức, đồng bào Phật tử và giáo dân
Với những chính sách được xây dựng trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng với sự cảm hóa mạnh mẽ và lòng nhân ái bao dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều nhân sĩ, trí thức ở Huế hăng hái hòa mình cùng Nhân dân đấu tranh giành độc lập trong Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ đã cống hiến tài năng và trí tuệ cho đất nước trên nhiều lĩnh vực như: Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn; Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng; Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Bác sĩ Hồ Đắc Di; Nhà thơ Tố Hữu...
Đối với đồng bào Phật tử, Người luôn luôn quan tâm, động viên lòng yêu nước, chỉ rõ khoảng cách cần phải rút ngắn giữa đạo và đời. Hòa thượng Thích Đôn Hậu là người may mắn được gặp Bác ba lần, mỗi lần gặp đều để lại một ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc “Sau những lần gặp Hồ Chủ tịch cũng như những năm tháng sau đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều tôi đã học được ở Người. Khi về lại Huế, tôi đã kể chuyện này với các tăng ni Phật tử, họ rất tin tưởng, sung sướng”[1]. Để rồi, khi nghe tin Bác Hồ qua đời, dù người theo Phật thấm nhuần lẽ sinh diệt vô thường, nhưng Hòa thượng đã đau đớn xúc động “Người là sự sống, là niềm tin của Nhân dân ta nên khi nghe Người mất, mọi người đau đớn xúc động. Riêng tôi đã được gặp Người nhiều lần, được sống trong sự ấm áp, bao dung tỏa quanh Người, được Người chỉ dẫn, dạy bảo rất cặn kẽ, chu đáo thì ngoài tình cảm mất mát lớn lao trên, tôi còn cảm thấy mình mất đi người thầy quý trọng nhất của đời mình nữa”[2].
Đối với giáo dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo giải quyết những việc rất cụ thể để bà con vượt qua khó khăn. Năm 1949, khi biết nhà Chung Huế không có lúa cung cấp cho các nhà tu hành tại thành phố Huế, Bác đã gửi thiếp cho linh mục Nguyễn Văn Ngọc cho phép linh mục chở 900 thùng lúa lên Huế, để trợ cấp nhà Chung, giải quyết khó khăn cho đồng bào giáo dân, việc làm ấy đã “cứu sống cho cả công đoàn công giáo đang sống ở thành phố Huế hồi đó. Ai ai cũng cảm động và ghi ơn Bác”. Và chưa một lần gặp Bác nhưng đồng bào nơi đây biết “Bác Hồ là con người của bác ái, là con người mưu ích lợi chung cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo; đi đâu cũng nghe tiếng người ta ca tụng Bác. Bác đã thi hành đúng theo lời Bác nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”[3].
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn nêu cao tinh thần thân ái, đoàn kết các cộng đồng dân tộc Việt Nam, Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán… và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”[4]. Người luôn dành tình cảm cho các đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có đồng bào DTTS miền Tây Thừa Thiên Huế.
Sau ngày đất nước bị chia cắt, để xây dựng phong trào cách mạng, tăng cường tình đoàn kết và giác ngộ cách mạng cho đồng bào các DTTS, từ năm (1955-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh có chủ trương mời các già làng, trưởng bản ở miền Nam ra thăm miền Bắc, trong đó có nhiều già làng, trưởng bản hai huyện miền núi của Thừa Thiên Huế (Nam Đông và A Lưới). Họ vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người ân cần thăm hỏi, động viên chia sẻ như những người thân trong gia đình. Đồng thời, đoàn cũng được đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những đổi thay của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, họ càng tin tưởng vào Đảng, vào Bác. Để rồi, lúc trở về quê hương, làng bản của mình họ đã tuyên truyền, vận động bà con dân bản đi theo Bác Hồ, ủng hộ kháng chiến.
Những năm 1961-1965, đồng bào các DTTS Thừa Thiên Huế đã trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Đồng bào sống trong khó khăn, vất vả đói cơm khát muối; không có rựa, rìu, cuốc để làm nương rẫy; không có ni lông để che thân, che hàng… Biết được tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương phải bằng mọi cách gửi muối, ni lông và dụng cụ sản xuất cho đồng bào. Khi nhận được, đồng bào trân trọng gọi đó là “muối cụ Hồ”, “rựa cụ Hồ”. Cảm động trước những tình cảm của Người, đồng bào DTTS nơi đây, đã tự nguyện lấy họ Hồ làm họ của dân tộc mình. Đây vừa là minh chứng cho tấm lòng thủy chung son sắt của đồng bào dành cho Người, vừa là minh chứng độc đáo cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc sâu sắc, mà Hồ Chí Minh là trung tâm của tình đoàn kết ấy.
Tình nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi tầng lớp nhân dân, đó cũng chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc sâu, rộng - một di sản văn hóa tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc nói chung và xứ Huế nói riêng. Di sản ấy, đã trở thành một nguồn sức mạnh, động lực lớn để Nhân dân Thừa Thiên Huế vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Và hôm nay, được Đảng bộ và Nhân dân nơi đây phát huy trong công cuộc xây dựng tỉnh nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
[1] Thành ủy Huế (1990), Bác Hồ trong lòng dân (đd), tr. 34
[2] Thành ủy Huế (1990), Bác Hồ trong lòng dân (đd), tr. 34
[3] Thành ủy Huế (1990), Bác Hồ trong lòng dân, (đd), tr. 94.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập (1995) tập 4 (đd), tr. 217.