Thứ Tư, 14/03/2018 09:11
(GMT+7)
Trách nhiệm với môi trường
TTH - Tại Thừa Thiên Huế, theo cập nhật của chúng tôi từ Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế - đơn vị chiếm khoảng 80% thị phần xăng dầu trên địa bàn thì hiện tại, lượng xăng E5 bán ra ở tháng 1 chiếm 35% và tháng 2 là 37% so với xăng A95 và trước đó, Giám đốc Sở Công thương đã cam kết là từ tháng 1/1/2018, Thừa Thiên Huế sẽ không còn điểm bán xăng A92.
Tỷ trọng bán xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại xăng A95 chiếm khoảng 70% là con số mà Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) đưa ra sau khi tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Tuy nhiên, có một con số khác được đơn vị này xác định là lãng phí xã hội và con số lãng phí ở đây là 400 tỷ đồng do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết (theo PLO ngày 13/3) vì chênh lệch giá giữa hai loại xăng này là 1.600 đồng/lít. Đây cũng là điều khiến người tiêu dùng quan tâm trong hai ngày trở lại đây, bắt đầu từ thông tin xung quanh việc ông Trần Thế Truyền, Tổng Giám đốc Saigon Petro, vừa ký công văn kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số chính sách có liên quan đến xăng sinh học E5.
Lượng tiêu thụ xăng A95 cao còn dẫn đến việc mục tiêu bảo vệ môi trường không đạt được còn là một trong những vấn đề mà đại diện Saigon Petro đưa ra, từ đó nêu kiến nghị “nếu trong thời gian tới sản lượng xăng E5 vẫn thấp dù đã áp dụng các biện pháp thì nên cho sử dụng lại xăng A92” (nguồn đã dẫn).
Cần kiên định với việc sử dụng nhiên liệu sạch và đây là một quá trình lâu dài, với sự tham gia của các thành phần kinh tế là ý kiến của ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, ông Dũng cũng đưa ra quan điểm là để khuyến khích người dân, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng E5 cần thấp hơn xăng khoáng ở mức giá đủ lớn và ổn định lâu dài.
Việc cho bán lại xăng A92 là điều khó chấp nhận và có thể không được chấp nhận khi đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ trong mục đích hướng tới là sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Do vậy, cách đặt vấn đề ở đây có lẽ là để tăng thuế bảo vệ môi trường xăng A95, xem đó như là một áp lực trở lại để tăng lượng tiêu thụ xăng E5 bên cạnh đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với loại xăng này. Câu chuyện này chắc cũng cần thời gian để ngả ngũ, song có hai “áp lực” trở lại đối với người tiêu dùng. Thứ nhất là việc họ sẽ chọn loại xăng nào phù hợp cho phương tiện sử dụng của mình để không hao hụt nhanh và khỏi lãng phí tiền. Thứ hai là nếu không dung hòa được hai yếu tố trên, người tiêu dùng sẽ lại phải chi thêm tiền nếu chọn A95 để bảo đảm độ bền cho xe.
Có vẻ như câu chuyện này như là một “trận đấu” của các doanh nghiệp xăng dầu.
Tại Thừa Thiên Huế, theo cập nhật của chúng tôi từ Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế - đơn vị chiếm khoảng 80% thị phần xăng dầu trên địa bàn thì hiện tại, lượng xăng E5 bán ra ở tháng 1 chiếm 35% và tháng 2 là 37% so với xăng A95 và trước đó, Giám đốc Sở Công thương đã cam kết là từ tháng 1/1/2018, Thừa Thiên Huế sẽ không còn điểm bán xăng A92.
Minh Hà