ClockThứ Hai, 23/09/2024 13:25

Tử địa Mỏ Tàu - Kỳ 1: Dũng cảm, thay đổi tác chiến phá vỡ tuyến phòng ngự địch

TTH - Mùa mưa năm 1974, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng liên tục cập nhật tình hình chiến sự Trị - Thiên. Núi Bông, núi Nghệ, Mỏ Tàu… những địa danh ở tây nam Huế xuất hiện dày đặc, bởi đây là thời điểm Quân Giải phóng mở chiến dịch: La Sơn - Mỏ Tàu (mật danh K18) nhằm phối hợp với mặt trận Thượng Đức - Quảng Nam góp phần đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, mở đường tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tìm về dấu tích bi hùng nơi thượng nguồn Tả Trạch

Chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu mở đầu từ ngày 28/8 và kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 28/9/1974.

 Thiếu tướng Lê Huy Mai và nguyên Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu

Đây là chiến dịch đầu tiên Quân đoàn II (thành lập tháng 5/1974) phối hợp với Quân khu Trị Thiên chiến đấu trên địa bàn Thừa Thiên Huế theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm “chia lửa” với mặt trận Thượng Đức ở Quảng Nam.

Tham gia chiến dịch này phía Quân Giải phóng (QGP) có Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324), Trung đoàn pháo 78 (Quân đoàn II); Trung đoàn 6, Trung đoàn 271 (Quân khu Trị Thiên); Tiểu đoàn 8 (K4) Tỉnh đội, Huyện đội Hương Thủy, Phú Lộc , Thành đội Huế (Thừa Thiên Huế)...

Theo Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324, trước khi QGP mở chiến dịch,  tại 14 cao điểm nằm theo trục đường 14 phía tây nam Huế từ La Sơn - Mỏ Tàu, Quân đội Sài Gòn (QĐSG) đã hình thành tuyến phòng ngự mới và giao cho Trung đoàn 3, Trung đoàn 51 (Sư đoàn I) và Tiểu đoàn 129 Địa phương quân trấn giữ.

Rạng sáng 28/8/1974, sau những đợt pháo kịch dữ dội, QGP đồng loạt tấn công vào các cứ điểm của QĐSG. Những vị trí này xuất hiện sau Hiệp định Paris - 1973, khi QĐSG thực thi mệnh lệnh của Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ngang nhiên “hành động trước” nhằm lập tuyến phòng thủ mới ở tây nam Huế!

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch QGP, chỉ trong vòng 3 giờ, Trung đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Thanh chỉ huy đã đánh chiếm các cao điểm: 75,76, 224; Trung đoàn 2 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Mai chỉ huy (có lực lượng của Trung đoàn 6 và 271 phối hợp) đã đánh chiếm cao điểm 303, dãy Kim Sắc, núi Bông, núi Nghệ. Riêng cao điểm 273 cuộc chiến diễn ra ác liệt mãi đến sáng hôm sau mới chiếm được.

Ngay trong đợt tấn công đầu tiên QGP đã giành thắng lợi giòn giã khi đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn Địa phương quân. Trừ Mỏ Tàu, các vị trí còn lại  rơi vào tay QGP.

Choáng váng và bất ngờ, Tư lệnh Quân khu I Trung tướng Ngô Quang Trưởng và Tư lệnh Sư đoàn I Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm của QĐSG quyết định tái chiếm.

Được không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ, Sư đoàn I đã tung 3 tiểu đoàn vào trận. Sau những đợt giao tranh khốc liệt, đến ngày 7/9/1974 QGP đã làm chủ núi Bông, núi Nghệ và 2 cao điểm: 75, 76. Bị tổn thất nặng nề, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3 (Sư đoàn I QĐSG) tháo chạy, gần 200 binh sĩ bị bắt tại làng Nam Phổ Cần, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Còn tại cao điểm 31, ngay khi đặt chân đến, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 51 (Sư đoàn I QĐSG) đã bị Trung đoàn 1 QGP đánh cho tơi tả. Ngoài 2 đại đội bị loại, tiểu đoàn này có đến 91 binh sĩ  bị bắt.

Nhận thấy một mình Sư đoàn I không thể đảm đương nổi, ngày 13/9/1974, Tư lệnh Quân đoàn I QĐSG Ngô Quang Trưởng buộc phải điều Liên đoàn 15 Biệt động quân từ Đà Nẵng ra trợ chiến. Lúc này, Quân khu Trị Thiên đã điều 2 tiểu đoàn cao xạ và 2 đại đội pháo tăng cường nhằm đáp trả những đợt phản kích của đối phương.

Cuộc chiến ở mặt trận tây nam Huế kéo dài và trở nên khốc liệt, đặc biệt là ở khu vực Mỏ Tàu.

Cựu chiến binh Hương Thủy bên chân núi Mỏ Tàu (nguyên Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng thứ hai, trái sang) 

Mỏ Tàu là nơi có 3 ngọn núi cao chụm lại, đỉnh núi cao nhất lên tới 325 mét và liền kề ở phía bắc là dãy núi Đá Đen nay thuộc địa phận xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy. Sau Hiệp định Paris - 1973, thực thi kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, Sư đoàn I bộ binh QĐSG đã chiếm đóng Mỏ Tàu.

Tại đây, dựa vào đặc điểm địa hình (phía tây có hào sâu - sông Tả Trạch, ba hướng còn lại là những dãy  đồi núi thấp tiếp giáp vùng giáp ranh) nên đối phương đã biến Mỏ Tàu - điểm cao nhất trong khu vực với hệ thống hầm hào công sự vững chắc. Bảo vệ nó có tới 4 lớp hàng rào kẽm gai và 3 lớp bùng nhùng cùng mìn định hướng Claymore, lựu đạn và  pháo sáng. Phía dãy núi yên ngựa vắt qua các đỉnh núi là trận địa pháo. Do chóp núi Mỏ Tàu không đủ rộng để thiết lập sân bay dã chiến, sau khi thị sát Tư lệnh Quân khu I QĐSG đã cho máy bay thả bom triệt hạ một cánh rừng và sau đó điều Công binh đến dọn dẹp, san ủi. Vì suốt ngày chỉ nghe tiếng máy cưa nên QGP đặt cho nó cái tên mới “sân bay Cưa”. Sân bay này chỉ cách Mỏ Tàu chừng hơn 1km đường chim bay về phía đông nam. Yểm trợ cho căn cứ Mỏ Tàu, đối phương rải quân chốt các cao điểm xung quanh như: 201, 136, 139 ở phía tây nam và dãy núi Đá Đen ở phía bắc.

Nguyên Huyện đội trưởng Hương Thủy Lê Hữu Tòng cho biết, cả vùng giáp ranh tây nam Huế lúc ấy trở nên trơ trọi vì năm 1969 Quân đội Mỹ đã dùng chất độc khai quang làm trụi lá cây. Do vậy từ điểm cao nhất đối phương dễ bề quan sát và mỗi khi phát hiện QGP di chuyển, từ Mỏ Tàu cối ập xuống làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Bộ đội địa phương Hương Thủy phối hợp với Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 271 của Quân khu Trị Thiên nhiều lần tổ chức tấn công nhằm phá cho được “con mắt thần” này nhưng bất thành; do vậy mà trong chiến dịch K18, Mỏ Tàu được xác định là trận đánh then chốt.

Tham gia trận đánh này QGP có 2 trung đoàn. Trung đoàn 1 được giao trách nhiệm trực tiếp đánh chiếm căn cứ Mỏ Tàu; còn Trung đoàn 6 phối hợp tấn công ở dãy núi Đá Đen liền kề.

Ở hướng Đá Đen, Chính ủy Vũ Đình Hộ và Trung đoàn phó Nguyễn Khắc Dương đã bám Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 6 trực tiếp chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững trận địa. Dù hứng chịu nhiều tổn thất nhưng cuối cùng Trung đoàn 6 đã chiếm được căn cứ này.

Trong khi đó ở hướng tấn công chính Mỏ Tàu - nơi Tiểu đoàn 2/3, Sư đoàn I QĐSG trấn giữ, Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 đang phải đối diện với vô vàn thử thách, bởi phía trước là dốc núi dựng đứng, đối phương ở trên cao lại có hỏa lực mạnh và dựa vào hệ thống công sự vững chắc nên dễ dàng đẩy lùi các đợt xung phong của QGP.

Lường trước khó khăn của trận đánh, Phó Tư lệnh Quân đoàn II Hoàng Đan cùng Sư trưởng 324 Nguyễn Duy Sơn và Chính ủy Nguyễn Trọng Dần… trực tiếp theo dõi, chỉ đạo..

Rạng sáng ngày 27/8/1974, sau khi dội pháo cấp tập xuống căn cứ Mỏ Tàu, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Thanh (sau này là Phó Chủ tịch Quốc Hội), Tiểu đoàn 3 xung phong. Hết đợt này đến đợt khác, nhưng do đụng phải “tường đồng, vách thép” của đối phương  nên bị dội lui; còn ở hướng thứ yếu, dù chiếm được mỏm đồi thứ nhất nhưng  không phát triển được vì đối phương chống trả quyết liệt.

Trận đánh kéo dài sang buổi chiều, nhưng vẫn không chiếm lĩnh được mục tiêu.

Theo Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324, chính vào lúc căng thẳng nhất của trận đánh, ngay chiều hôm đó, Phó Tư lệnh Hoàng Đan xuất hiện và ra lệnh cho binh sĩ tham chiến nghỉ giải lao; còn cơ quan tác chiến và trinh sát tiếp tục nắm tình hình, tìm cách đánh khác. Thay bằng tấn công  trực diện, QGP bí mật tổ chức đánh bọc hậu nhằm vào điểm sơ hở nhất của đối phương.

Các đơn vị tham chiến triển khai lực lượng ngay trong đêm. Theo phương án được duyệt, Trung đoàn phó Trương Văn Núp trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 3. Đơn vị này dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Hà Quang Đinh tuyển chọn một lực lượng nhỏ gọn, bí mật  luồn sâu và ém sẵn ở phía đông căn cứ Mỏ Tàu. Rạng sáng hôm sau, đúng giờ nổ súng, toán quân của Tiểu đoàn trưởng Hà Quang Đinh men theo đường mòn xuống suối lấy nước của đối phương, bất ngờ xông thẳng tấn công trung tâm căn cứ Mỏ Tàu. Họ dùng B 41 bắn sập lô cốt và ném thủ pháo đánh sập công sự. Bị bất ngờ tấn công, đối phương rối loạn. Chớp thời cơ, từ các hướng QGP ập vào...

(Còn nữa)

Kỳ 2: Trận đánh then chốt

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
​Phá vỡ rào cản với các kỹ thuật can thiệp tiên tiến

Chiều 15/3, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thực hiện 4 ca can thiệp tim mạch khó sử dụng các phương tiện công nghệ cao, trong đó 2 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được Công ty Boston Scientific hỗ trợ các dụng cụ và phương tiện hiện đại trị giá hàng chục triệu đồng.

​Phá vỡ rào cản với các kỹ thuật can thiệp tiên tiến
Return to top