|
Hai cựu chiến binh Lê Hữu Tòng (trái) và Ngô Văn Hoàng hào hứng phút lên ghe về thăm chiến trường xưa |
Một ngày tháng 7, may mắn được tháp tùng các cựu chiến binh (CCB) thuộc Đại đội đặc công C3 Huyện đội Hương Thủy (nay là Ban Chỉ huy Quân sự TX. Hương Thủy) trên hành trình trở về tìm lại các dấu tích một thời oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nơi thượng nguồn Tả Trạch (xã Dương Hòa – TX. Hương Thủy).
Đại đội đặc công C3 Huyện đội Hương Thủy là đơn vị đã đóng quân và chiến đấu tại chiến khu Dương Hòa giai đoạn 1967 – 1975 trong kháng chiến chống Mỹ. Đoàn đi lần này gồm có các CCB: Lê Hữu Tòng – nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy, Ngô Văn Hoàng – nguyên đặc công C3, Phan Văn Đình, Lê Văn Kháng thuộc lực lượng đơn vị hành lang Huyện đội Hương Thủy thời chống Mỹ.
Đến hồ Tả Trạch, chiếc ghe đuôi tôm và mấy chiếc áo phao được chính quyền địa phương và Ban quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy bố trí đã chờ sẵn để đưa đoàn ngược hồ lên phía sông Hai Nhánh và các địa điểm năm xưa là nơi đóng quân, nơi diễn ra các trận đánh lớn, nhỏ khác nhau của lực lượng C3 và các đơn vị khác trong lòng hồ.
Trên mặt hồ gợn sóng, ký ức hào hùng cứ dần hiện ra qua câu chuyện của các CCB. Là những kỷ niệm buồn vui, những trận đánh ác liệt và cả những đồng đội đã nằm lại nơi bờ khe, sườn núi khiến câu chuyện thảng hoặc gián đoạn bởi những ánh mắt xa xăm, những thanh âm run run lạc giọng mà không bởi gió trên mặt hồ…
Đến địa điểm sông Hai Nhánh, nơi thượng nguồn sông Tả Trạch chia đôi làm 2 dòng chảy bởi điểm cao 229 chắn giữa dòng như một cù lao, các thành viên đề nghị cho ghe đi quanh một vòng từ sông Hai Nhánh đến bãi Gạo và vòng về lại khe Rùa, khe 57. Trên hành trình dài khoảng 2km, dù việc xây hồ Tả Trạch khiến nước dâng lên cao, nhưng các thành viên trong đoàn vẫn nhớ như in từng địa danh, hiện trạng lòng sông lúc trước.
Dừng chân dưới điểm cao 229 - nơi mà lính Mỹ và tiếp đó là Ngụy chiếm đóng để kiểm soát, khống chế toàn bộ khu vực sông Hai Nhánh - được xem như cửa rừng vùng hậu cứ cách mạng của ta, ông Lê Hữu Tòng nhớ lại: “Địch thường xuyên bố trí ở điểm cao này ít nhất là một đại đội, có khi là cả một tiểu đoàn tăng cường có pháo binh, máy bay trực thăng luôn luôn thường trực; đã vậy còn sử dụng pháo 105mm bắn khống chế toàn khu vực nên chúng ta gặp rất nhiều khó khăn”.
“Đây cũng được xem như “yết hầu” trên tuyến hành lang tiếp tế, vận chuyển lương thực và các nhu yếu phẩm từ các xã Hưng Hải (nay là xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) và xã Hải Thủy (nay là xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) lên các đơn vị của ta đóng quân ở Chiến khu Dương Hòa và cũng là tuyến đường huyết mạch để cán bộ, bộ đội ta lên về hoạt động, đánh địch tại các vùng đồng bằng phía Nam của Hương Thủy, ông Tòng nói.
Xác định địch chiếm đóng vị trí trọng yếu dễ thủ, khó công, có thể quan sát cả một khu vực rộng lớn sẽ gây bất lợi cho hoạt động của ta, nên ngày 6/7/1970, một Tiểu đoàn đặc công của Thành đội Huế đã tổ chức tấn công quân địch đóng tại điểm cao này. “Sau một thời gian chiến đấu ác liệt, Tiểu đoàn đặc công của Thành đội Huế có 4 đặc công đã anh dũng hy sinh là Long, Thành (cùng quê Nghệ An), Biển quê Thái Bình và 1 đồng đội người Hà Tĩnh”, ông Lê Hữu Tòng bồi hồi nhớ lại.
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa (1930 – 2015), sau chiến dịch Mậu Thân, Thành đội Huế chuyển từ địa đạo Hương Thủy ra đồi 815. Đến tháng 8/1968, các đơn vị chủ lực của ta rút về khe Cối Xay, sau đó về khe Vàng (Dương Hòa). Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần ngược ra sông Hai Nhánh vượt dốc Thanh Niên, về phía khe Vịt và cuối cùng dừng chân ở khe Rùa (Dương Hòa), các cơ quan và lực lượng vũ trang của ta chuyển lên khe Xương Voi để bám dân hoạt động. Tiếp đó, các đơn vị chủ lực của ta chuyển về đóng quân ở điểm cao A-te và Tre Linh, còn đại bộ phận cơ quan, ban, ngành huyện, tỉnh và lực lượng vũ trang xã, huyện vẫn bám trụ ở khe Vàng, khe Rùa (địa bàn Chiến khu Dương Hòa và vùng giáp ranh với Phú Bài, Thủy Phương).
Tiếp tục hành trình, từ chân điểm cao 229, đoàn vòng lại đến cửa khe Rùa (khe Cà De theo tên gọi địa phương) mà theo giải thích của CCB Phan Văn Đình, tên khe Rùa do bộ đội ta đặt vì nơi đây rất nhiều rùa và đi tiếp đến cửa khe 57, đối diện với cửa sông Hai Nhánh.
Giai đoạn 1968 - 1975, khe 57 là khu vực có rất nhiều cơ quan, đơn vị đóng quân tại đây như: Tiểu đoàn 33 đặc công, Trung đoàn 6, Trung đoàn 1 & 2, Sư đoàn 324, Trung đoàn 271, Trung đoàn K4, Tỉnh đội, Huyện đội Hương Thủy, Huyện ủy Hương Thủy (đóng vào năm 1974)…
Dừng chân trên một bãi đất trống tại khe 57, dù không ai nói với ai một lời nào nhưng từng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt của các CCB đều ngập tràn những ký ức bi tráng, hào hùng cùng nỗi niềm khi chưa thể tìm được hết những đồng đội đã ngã xuống tại đây. Và rằng, mong muốn xây một bia tưởng niệm tại cửa sông Hai Nhánh để mỗi lần đến thăm có nơi thắp nén hương cho những người đã nằm xuống, cũng như để giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng cho thế hệ kế cận cũng chính là tâm tư của những người lính nay đã bước vào tuổi "cổ lai hy…"