Sau Quy định 80- QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, ngày 8/9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành thông báo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Trên thế giới, việc từ chức được xem là điều bình thường, từ thủ tướng, bộ trưởng đến tỉnh trưởng, thị trưởng... Có rất nhiều lý do để họ từ chức, như: bất đồng chính kiến, không đủ sức khỏe, vì lý do cá nhân hay tự thấy mình làm không tốt, ở ngành, lĩnh vực mình quản lý có sai phạm, sự cố gây thiệt hại lớn, bị tố cáo tham nhũng… Đằng sau các lý do đó, có thể việc từ chức của họ là chủ động, có khi bị sức ép chính trị hay dư luận, nhưng biểu hiện cụ thể đang giữ chức vụ mà từ chức.
Với Kết luận số 20-TB/TW, việc khuyến khích từ chức được áp dụng cụ thể cho đối tượng cán bộ “có vấn đề”, đã bị kỷ luật từ mức thấp nhất là khiển trách. Đây là những trường hợp đã được các cấp thẩm quyền xem xét, có hồ sơ kỷ luật cụ thể và những hạn chế nhất định. Việc tự nguyện từ chức ở đây vừa mang tính khuyến khích vừa là chế tài, nếu không tự nguyện. Với việc “luật hóa” việc từ chức trong Đảng không chỉ tạo chuyển biến mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà còn từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành. Đây là chủ trương có ý nghĩa đột phá, giúp hoàn thiện các khâu công tác cán bộ theo quan điểm “có vào, có ra, có lên, có xuống”.
Thực tế thời gian qua, đã có một số lãnh đạo bộ, ngành xin từ chức khi thấy mình làm chưa thật tốt, như Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (năm 2004); Trần Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (năm 2010)… Đó là những trường hợp chưa bị kỷ luật, còn các trường hợp bị kỷ luật mà chủ động xin từ chức thì thấy quá hiếm. Có những trường hợp dù vi phạm kỷ luật nghiêm trọng vẫn cố “chạy” đủ đường nhằm giữ ghế, bất chấp cả dư luận. Chỉ khi bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc vi phạm pháp luật họ mới chịu nghỉ việc, rời ghế. Điều này có thể cắt nghĩa quyền hành đi đôi với quyền lợi nên họ cố giữ ghế để trục lợi cá nhân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, bị Nhân dân lên án
Trong bối cảnh chưa ai mạnh dạn từ chức khi chưa hoàn thành nhiệm vụ, nặng hơn là bị kỷ luật thì rất cần có những quy định mang tính pháp lý như Kết luận số 20-TB/TW để chế tài những người không tự giác từ chức là cần thiết. Thực tế, không chỉ Kết luận 20-TB/TW mà trước đó Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về công tác cán bộ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 47-QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TƯ của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 55-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…
Có thể nói, các quy định của Đảng và Kết luận mới ban hành đã rất rõ ràng, nhưng thực tiễn việc áp dụng không phải dễ dàng. Để thực hiện được, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tự giác, có lòng tự trọng và bản lĩnh, dũng khí, vì sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Hoàng Minh