ClockThứ Tư, 15/03/2017 13:31

Xây dựng hệ thống xử lý chất thải trang trại ở Quảng Điền: Cần có lộ trình cụ thể

TTH - Ô nhiễm môi trường khu vực rú cát đang đặt ra cho Quảng Điền bài toán khó trong phát triển kinh tế trang trại (TT), nhất là khu vực rú cát nội đồng.

Nhiều trang trại sử dụng phân chuồng trong trồng trọt

Vẫn còn ô nhiễm

Cách đây không lâu, người dân sống gần khu vực TT rú cát xã Quảng Lợi bức xúc khi một vài TT trên địa bàn liên doanh với các công ty mở rộng phạm vi chăn nuôi nhưng không xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử, TT của ông Hồ Dựng được UBND huyện giao đất từ tháng 4/2014 với quy mô mỗi lứa 1.000 con. Hiện TT chỉ mới xây dựng 2 bể chứa phân tự hoại với dung tích 6m3 và 2 hồ chứa nước thải chăn nuôi lộ thiên không có hệ thống xử lý, với diện tích mỗi hồ 300m2, 600m2. Qua kiểm tra, xử lý, chủ trang trại cam kết sẽ xây dựng hầm biogas và hệ thống xử lý chất thải khép kín, dự kiến trong năm 2016, hệ thống sẽ hoàn thành. Thế nhưng đến thời điểm này, cam kết trên vẫn chưa thực hiện được.  

Một số TT khác ở Quảng Điền cũng đang trong tình trạng tương tự, chỉ đầu tư xây lắp hầm biogas với dung tích nhỏ, không đáp ứng nhu cầu xả thải.

Trong khi đó, theo quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô TT, công nghiệp trên địa bàn vừa được UBND tỉnh ban hành các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn (CTR) phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp; trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành.

Khi CTR được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy định về vận chuyển. Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng và phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành. Các trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát người và động vật ra vào trại. Trước cổng có hố khử trùng và phương tiện khử trùng, tiêu độc, có biển báo một số điều cấm hoặc hạn chế đối với khách ra vào trại.

Theo số liệu điều tra của Công ty Hưng Long (đơn vị tư vấn quy hoạch phát triển kinh tế TT huyện Quảng Điền), hiện toàn huyện có gần 90 TT đang phát triển, diện tích TT lớn nhất gần 30 ha, TT nhỏ nhất khoảng 2 ha. Nếu tuân thủ theo các quy định trên, số TT đáp ứng tiêu chí chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Quy mô nhỏ nên chưa đầu tư lớn?

TT của ông Phan Văn Hứa ở Quảng Vinh trung bình thả nuôi mỗi lứa 3.000 con gà, 50 con heo. Thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng, tuy nhiên thời điểm này gà rớt giá, heo thương lái không mua nên không thể tái đàn, khiến tình hình chăn nuôi gặp khó. Theo ông, chăn nuôi với quy mô nhỏ chỉ nên xây dựng hệ thống hầm biogas thu khí gas dùng trong sinh hoạt, phần khác sử dụng làm phân bón cho diện tích hoa màu chứ không có đủ khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Theo phản ảnh, nếu xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh trong chăn nuôi trước khi xả ra môi trường thấp cũng vài chục đến vài trăm triệu đồng, cao cũng tới vài tỷ đồng, trong khi quy mô chăn nuôi của TT chỉ ở mức nhỏ nên việc đầu tư kinh phí quá lớn là rất khó khăn.

Hiện xã Quảng Vinh có 25 TT, trong đó có 12 TT có tổng đàn nuôi từ 50 đến 200 con heo/lứa. Tuy nhiên hiện các TT chỉ mới thực hiện cam kết bảo vệ môi trường chứ chưa thể xây dựng hệ thống xử lý chất thải và các vấn đề liên quan theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh-Hồ Tịnh Ân lý giải: Thực tế tại địa phương, TT chủ yếu đều có quy mô nhỏ, số TT quy mô từ vài trăm đến 1.000 con heo rất hiếm. Đối với TT gà đều áp dụng nuôi theo phương thức đệm lót sinh học nên ảnh hưởng đến môi trường không lớn. Các TT đa phần đều ở xa khu dân cư, có diện tích rộng nên họ chọn giải pháp xây dựng các hồ chứa nước thải kết hợp nuôi cá hoặc tự xây hầm biogas. Nếu theo quy trình về xử lý môi trường, chưa có TT nào đạt chuẩn.

Lãnh đạo huyện Quảng Điền cho biết, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra môi trường tại các TT. Thực tế là nếu đầu tư hệ thống theo đúng chuẩn cần từ vài trăm triệu đến tiền tỷ, trong khi thu nhập hàng năm của các TT chỉ dao động từ vài chục triệu, nhiều lắm là vài trăm triệu đồng nên không dễ để triển khai. Vì thế phải có lộ trình cụ thể. Trước mắt huyện sẽ tập trung hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy trình cần thiết theo cam kết bảo vệ môi trường. Các hộ có quy mô tổng đàn lớn phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn. Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ yêu cầu ngưng hoạt động. Đối với các TT quy mô đàn nhỏ thì hướng dẫn và tư vấn xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp nhằm đảm bảo các tiêu chí môi trường khu vực TT.

Hoàng Thảo Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trùng với đợt cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên lực lượng chức năng huyện Quảng Điền phải cắt cử lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng; phơi lúa trên các tuyến đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top