ClockThứ Năm, 25/05/2023 08:30

Thoát nghèo bền vững từ sử dụng hiệu quả vốn vay

TTH - 320 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo năm 2022, là con số khá ấn tượng của các cấp hội phụ nữ. Điểm nhấn là các chị đã được vay vốn và được hỗ trợ nhiều phương thức để thoát nghèo bền vững.

Những mô hình thanh niên trợ lực thoát nghèo hiệu quảNhững mô hình phụ nữ thoát nghèo bền vững ở Thủy Phương

Nhu cầu vay vốn được đáp ứng

Chị Hồ Thị Chuyền, ở Chi hội Vĩnh Lương Khê, xã Phú Lương (Phú Vang) được vay 70 triệu đồng từ Chương trình tạo, duy trì và giải quyết việc làm. Chị Chuyền mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 14 con lợn thịt và 5 nhà nấm để sản xuất nấm rơm. Khi thu nhập ổn định, chị cùng với chồng bàn bạc đầu tư thêm 1 máy cày cỡ nhỏ, vừa để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gia đình mình, vừa phục vụ cho bà con trong vùng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho chồng.

Chị Chuyền tâm sự: Hàng năm, tôi xuất bán lợn thịt khoảng 3 đợt, trừ các chi phí còn lại thu nhập hơn 30 triệu đồng; 5 nhà trồng nấm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng; thu từ máy cày khoảng 40 triệu đồng. Kinh tế gia đình chị ngày càng cải thiện nâng lên, trở thành hộ khá trong thôn.

Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 1.249 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với  51.803 thành viên vay tổng dư nợ hơn 2.192 tỷ đồng. Bình quân, mỗi tổ được vay 1,7 tỷ. Đáng mừng khi có đến 1.222 tổ vay vốn xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ trên 97,8%), không có tổ xếp loại yếu. Với phương thức ủy thác, sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn nhanh chóng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ân, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Thu (Phong Điền) chia sẻ: Năm 2022, Hội đã duy trì quỹ tiết kiệm tại các chi hội với số tiền gần 38 triệu đồng, giúp hơn 30 hội viên nghèo vay vốn với lãi suất thấp. Hội đã chủ động tìm hiểu nhu cầu hội viên khó khăn về vốn, kiến thức, cây giống... để có kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhờ đó, trong năm có 5 hộ thoát nghèo.

Làm được điều này phải kể đến năng lực các tổ trưởng tổ TK&VV ngày càng được nâng cao; tổ viên tổ TK&VV chấp hành quy ước hoạt động của tổ, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn. Các trường hợp nợ chây ỳ, nợ rủi ro, nợ khó đòi được xử lý rốt ráo.

Chẳng hạn, năm 2022, các cấp hội phụ nữ ở thị xã Hương Thủy phối hợp với NHCSXH hoàn thiện các quy trình thủ tục để đề nghị khoanh nợ tại xã Thủy Phù. Cụ thể, tháng 1/2022, 30 thành viên nợ quá hạn 900 triệu đồng; tháng 5/2022, khoanh nợ 780 triệu cho 26 thành viên, 4 thành viên nợ quá hạn 120 triệu đồng. Đến nay, còn lại nợ quá hạn 30 triệu đồng (hiện đang làm hồ sơ đề nghị khoanh nợ).

Nâng cao vị thế tổ chức Hội

Tại buổi làm việc giữa Hội LHPN tỉnh với đoàn kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo của T.W Hội LHPN Việt Nam đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế như: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại một số chương trình tín dụng có nhu cầu lớn như chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Theo bà Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN Phong Điền, đối tượng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đầu tư chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ… chịu nhiều rủi ro do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng tín dụng. Số lượng hội viên có nhu cầu vay vốn còn lớn, nhưng không thuộc đối tượng vay vốn NHCSXH phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại... Cũng theo bà Lý, cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương khi thẩm định hồ sơ vay vốn, giám sát mục đích sử dụng vốn vay, quan tâm tạo điều kiện giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.

Nhiều ý kiến đề xuất chính sách tiếp tục hỗ trợ vốn cho đối tượng đã thoát nghèo trên 3 năm để công tác giảm nghèo được duy trì bền vững. Có hướng mở rộng thêm đối tượng của các chương trình vay vốn, tạo điều kiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Tăng mức vay đối với nguồn vốn tín dụng chính sách về chương trình nước sạch phù hợp với thực tế hiện nay.

Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, chính sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân. Thành tích hoạt động ủy thác giữa Hội và ngân hàng thể hiện rõ nét ở việc đã tăng được số xã được nhận ủy thác, số thành viên vay, dư nợ vốn vay cùng với giảm được nợ quá hạn. Hoạt động ủy thác giúp Hội hoàn thành tốt chức năng đại diện, thu hút hội viên và tăng vị thế, tiếng nói của tổ chức Hội.

An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TIN MỚI

Return to top