Lãnh đạo hai địa phương cùng đặt cột mốc bảo vệ di tích Hải Vân Quan. Đây cũng là cột mốc của sự hợp tác phát triển
Cái bắt tay nồng ấm đó diễn ra trước sự chứng kiến của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng với đông đảo cán bộ hai địa phương và báo giới. Cái bắt tay không chỉ ghi nhớ sự hợp tác bảo tồn di tích Hải Vân Quan, mà còn mở ra một cuộc hợp tác phát triển của hai vùng đất mà cuộc sống mỗi ngày vẫn đang thúc giục phải liên kết nhau để tạo thành một trung tâm của miền Trung.
Hải Vân không chỉ Hải Vân Quan
Hải Vân không chỉ có Hải Vân Quan - di tích lịch sử và kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia vừa được công nhận, mà vùng non xanh nước biếc ấy còn có cả một kho tài nguyên đồ sộ: núi, rừng, suối, thác, biển, đảo, đèo mây... Đứng trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra bốn phía điệp trùng rừng núi và vời vợi biển trời, ngay cả một du khách nước ngoài tình cờ dừng lại ở đây như anh chàng Partrich người Anh mà tôi gặp trong chiều 24/5 đó cũng thốt lên: “Hùng vĩ lắm, nhưng hoang vắng quá!”.
Cái bắt tay của lãnh đạo của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trên đỉnh Hải Vân vào chiều 24/5 sẽ là một sự kiện đáng nhớ
Quả vậy, khi từ vọng lâu Ải Vân già nua nhìn xuống, chỉ thấy một dãy hàng quán tạm bợ giữa bốn phía rừng núi hoang sơ. Ông Lại Thanh Hà - người lên đây cất chiếc lều quán đầu tiên từ hơn ba mươi năm trước - nói với tôi: “Chừ thì người xe tấp nập vậy đó, nhưng chút nữa thôi, khi mặt trời vừa khuất sau núi là không còn ai dám chạy xe một mình trên đường đèo”. Từ ngày hầm đường bộ Hải Vân mở ra (tháng 6/2005), dường như nhiều người đã quên mất đèo Hải Vân. Bây giờ con đèo hiểm trở đó đã trở thành một cung đường đẹp và hùng vĩ, dành cho những người mê du lịch khám phá, hay còn gọi là “phượt”. Con đường đèo dài hơn 20km này đã được tờ báo The Guardian (Anh) bình chọn là một trong 10 cung đường ngoạn mục và cuốn hút nhất thế giới. Nhưng hiện tại vẫn chỉ là điểm đến ngẫu hứng của một số du khách mê “phượt” hay vài tour lẻ tẻ.
Không chỉ đường đèo mà cung đường sắt Hải Vân không kém phần ngoạn mục với hàng chục chiếc hầm được khoan từ đầu thế kỷ 20 (1906) cũng là một sản phẩm du lịch đặc sắc. Từ cửa sổ đoàn tàu nhìn xuống là một vùng biển xanh ngắt và những bãi cát trắng phau như không dấu chân người. Biển ấy mà làm du lịch thì chắc hẳn phải là sản phẩm cao cấp.
Liên kết để cùng phát triển
Đó là câu slogan đã đặt ra trên nhiều cuộc thảo luận của Diễn đàn kinh tế miền Trung, và đã treo lên trên mọi cung đường kinh tế của vùng đất mà Huế và Đà Nẵng đã và đang thay nhau làm trung tâm. Đặc tính tự nhiên và thực tế lịch sử đã cho thấy, liên kết là cách thức tốt nhất để các tỉnh miền Trung cùng phát triển, thay vì chia cắt để cạnh tranh nhau. Trong đó, mối liên kết Huế - Đà Nẵng có thể xem là điển hình của liên kết miền Trung, nhất là khi cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế.
Trên thực tế, mối liên kết đó trong lĩnh vực du lịch đã diễn ra từ lâu theo một cách tất nhiên của thị trường. Du khách đến chơi lễ hội pháo hoa, nếu khách sạn Đà Nẵng hết chỗ thì ra Lăng Cô. Khách của khu du lịch Laguna Lăng Cô hầu hết xuống sân bay Đà Nẵng vì đoạn đường từ đó ra Lăng Cô gần và thuận tiện hơn từ sân bay Phú Bài. Tương tự, khách đến chơi Festival Huế phần lớn đều đi theo tour Huế - Đà Nẵng - Hội An và ngược lại. Nhiều hãng lữ hành đều thiết kế tour đến miền Trung ở sân bay Đà Nẵng và rời ở sân bay Huế. Và rõ ràng, hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng với hàng loạt các sự kiện thu hút du khách cao cấp từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương không phải là cơ hội của riêng ngành du lịch Đà Nẵng!
Đã có người cho rằng khi hầm Hải Vân thông suốt lại thêm Quốc lộ 1A mở rộng, du khách sẽ đến Huế tham quan và về ngủ lại Đà Nẵng trong ngày. Như thế Huế chỉ bán được cái vé tham quan mà thôi! Sao không nghĩ rằng đó là lợi ích của cả hai, khi tài nguyên (di tích, phong cảnh...) của Huế và lợi thế (sân bay, bến cảng...) của Đà Nẵng trở thành thế mạnh của nhau? Nếu mỗi nơi đều có sản phẩm riêng đặc sắc, thì số ngày lưu trú của du khách tại miền Trung sẽ kéo dài thêm khi họ không thể chỉ chơi đêm ở Đà Nẵng mà bỏ qua đêm Huế, và ngược lại.
Trung tâm miền Trung: Huế - Đà Nẵng
Mười hai năm trước, khi hầm đường bộ Hải Vân khánh thành (5/6/2005), một vị lãnh đạo cho rằng đây là một bước quan trọng để biến ý tưởng của tổ chức JICA (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu chiến lược (Việt Nam) thành hiện thực: thành phố sinh đôi (twin city) Huế - Đà Nẵng. Báo Tuổi Trẻ đã từng bình luận: “Giải pháp sinh đôi cho Đà Nẵng và Huế có lẽ đã được cha ông nghĩ đến từ lâu, song ngọn núi Hải Vân sừng sững đã án ngữ khát vọng phát triển này qua mấy trăm năm”. Giờ đây, sự ngăn cách ấy đã không còn nữa!
Vào thời điểm đó (2005), ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, rất tích cực đưa ra bàn bạc câu chuyện hợp tác phát triển Huế - Đà Nẵng. Sau 12 năm gặp lại, ông Mễ vẫn say sưa bàn bạc câu chuyện này. Ông nói: “12 năm trước, hầm Hải Vân thông. Bây giờ Hải Vân Quan cũng đã giải quyết xong ách tắc. Coi như thông từ đất lên trời”. Theo ông Mễ, Huế không thể phát triển mạnh mẽ nếu không hợp tác với Đà Nẵng, và Đà Nẵng cũng không thể phát triển một cách hoàn chỉnh nếu bỏ qua Huế. Huế - Đà Nẵng phải là cái lõi của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.
Nếu Đà Nẵng là trung tâm chính trị và kinh tế của miền Trung thì Huế là trung tâm văn hóa - khoa học - giáo dục của khu vực này. Chỉ khi Đà Nẵng - Huế là một thì các giá trị sẽ bổ sung cho nhau, là “thế mạnh chung” chứ không phải là “lợi thế riêng” để cạnh tranh nhau.
Hay nói cách khác, trung tâm miền Trung phải là Huế - Đà Nẵng!
Bài, ảnh: MINH TỰ