|
Cuộc sống đang ngày càng hồi sinh ở vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế. |
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên chiến sĩ Trinh sát Trung đoàn 6 (Quân khu Trị Thiên ) cho biết, trước khi bị thương (tháng 12/1974) ông có một tháng hoạt động ở ở khu vực Đá Đen, cạnh căn cứ Mỏ Tàu. Tại đây, ít nhất ông đã ba lần chứng kiến đồng đội mình hy sinh vì pháo của đối phương. Lần đầu, Tổ trinh sát lọt vào sâu trận địa phòng ngự nhưng khi lui ra thì bị pháo địch bắn, trinh sát Tương là người cuối cùng còn nằm trong hàng rào nên hy sinh. Lần hai, sau khi trinh sát, trên đường trở về bất ngờ một loạt pháo địch giội xuống đúng vào đội hình làm Trung đoàn phó Trung đoàn 6 Lê Văn Đuổi hy sinh. Lần thứ ba, trong khi Trinh sát Hồ Anh Thắng đang từ Mỏ Tàu về thì hầm trú quân của tiểu đội bị trúng pháo làm Trinh sát Sơn (quê ở Đại Từ,Thái Nguyên) hy sinh.
Đến bây giờ ông Thắng vẫn còn thuộc hai câu ghi sau tấm hình của một cô gái: “Mặt trời chỉ mọc hướng Đông/ Còn em chỉ mọc trong lòng anh thôi!”. Đoán người con gái trong tấm hình này là vợ của đồng đội mình nên họ ngậm ngùi bỏ vào túi áo và chôn theo thi thể của Liệt sĩ Sơn!
Lần cuối, Trinh sát Hồ Anh Thắng cho biết, hôm đó tôi đi điểm chốt với Tiểu đoàn phó Tăng Văn Phả (sau này là Bí thư Hà Nam). Trên đường trở về nơi trú quân thì tôi bị sức ép của bom hất văng xuống suối. Hai tai tôi máu chảy đầm đìa, điếc đặc. Tôi xa Mỏ Tàu từ đó.
Nguyễn Xuân Kỳ (quê Chiêng Ngoại, Duy Tiên - Hà Nam). Năm 1974 nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Trung đội I (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên). Trung đội 1 có 20 người do ông Toàn (quê Lạng Sơn) làm Trung đội trưởng, ông Trung (quê Thái Bình) làm Tiểu đội trưởng. Lúc này hậu cứ của Trung đoàn 6 đóng ở khe Rùa - dọc sông Hai Nhánh.
Chiều ngày 6/11/1974, Trung đội I được giao nhiệm vụ tấn công “đồi Bảo An” nằm ở phía đông chân núi Mỏ Tàu, nơi do một đơn vị của Liên đoàn 15 Biệt động quân chốt giữ.
Nguyễn Xuân Kỳ cho biết, sau khi chiếm được, theo phân công đơn vị ông bàn giao “đồi Bảo An” cho Trung đội 2 chốt giữ. Lúc đó chừng 3 giờ chiều, Trung đội I Chưa kịp rút lui thì bất ngờ pháo ập xuống. Trung đội trưởng Toàn hy sinh ngay trước mặt tôi. Đau đớn nhất là khi đánh chiếm trung đội tôi không có ai hy sinh, nhưng khi rút thì bị “dính” pháo làm 9 anh em hy sinh, 7 người khác bị thương. Cả trung đội chỉ còn 4 người lành lặn!
Vũ Hoàng Long (quê Phủ Lý - Hà Nam) nguyên là chiến sĩ thông tin vô tuyến của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên.
Vũ Hoàng Long cho biết, rạng sáng của ngày trong tháng 11/1974 ông là Đài trưởng 2W sát cánh cùng Đại đội I tấn công cao điểm 139 gần sân bay Cưa do một đơn vị thuộc Trung đoàn 54, Sư đoàn I QĐSG chốt giữ. Sau khi dùng hỏa lực đánh phủ đầu, Đại đội I dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tư hạ lệnh xung phong.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Sơn mặc dù tay phải bị thương, nhưng sau khi bò vào được công sự vừa bị công phá thì phát hiện một công sự gần đó, đối phương đang dùng đại liên bắn trả đồng đội mình. Thấy trên xác một tên địch còn lựu đạn M 26, ông đã lấy nó và dùng cánh tay trái còn lại kết hợp với răng và ngón chân cái rút chốt an toàn. Lựu đạn nổ, ổ đề kháng bị dập tắt, tạo điều kiện để đồng đội của ông chiếm lĩnh trận địa. Mặc dù chiếm được cao điểm 139, nhưng mũi cường tập mà Vũ Hoàng Long tham gia, chưa kể số bị thương đã có 8 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Đại đội phó Toản và Trung đội trưởng Sâm!
Chiến tranh kết thúc, Trung đoàn 6 đã tổ chức lực lượng trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, họ đã cất bốc được 1.700 hài cốt trong tổng số 2.400 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã hy sinh.
Như vậy là chỉ riêng Trung đoàn 6 vẫn còn 700 liệt sĩ (trong tổng số 200.000 liệt sĩ của cả nước) chưa tìm thấy hài cốt, đồng nghĩa là họ vẫn nằm lại ở đâu đó trên những mảnh đất mà họ chiến đấu.
Riêng đơn vị được giao nhiệm vụ tấn công trực diện Mỏ Tàu ngày 27/9/1974, theo Thiếu tướng Lê Huy Mai, “Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 324) tổn thất tới trên ba mươi phần trăm lực lượng”. Con số đó tương đương 150 người.
Đó là tổn thất quá lớn không có gì bù đắp được. Nguyện vọng của những cán bộ, chiến sĩ từng tham chiến ở đây là mong Nhà nước khảo sát, lập hồ sơ công nhận Mỏ Tàu là di tích lịch sử cách mạng và lập ở đây đền tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
|
…Trong chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu diễn ra từ 28/8-28/9/1974, huyện Hương Thủy được giao nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp hậu cần, vận chuyển thương binh, liệt sĩ nhằm hỗ trợ các đơn vị của Trung đoàn 6 và Sư đoàn 324 đánh các cứ điểm ở phía tây nam Huế. Sáng đó, tôi và anh Lê Hữu Tòng (Huyện đội trưởng Hương Thủy) đang ở dưới chân núi Dích Dương (nay thuộc xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) thì phát hiện một toán lính của Trung đoàn 54 đang đi vào. Anh Tòng trao đổi nhanh với tôi, chúng chỉ có 5 tên mình không nên bắn mà phải tìm cách bắt sống. Sau khi thống nhất phương án hành động, đợi toán lính đến gần, từ nơi ẩn nấp anh Tòng đột ngột xuất hiện và hét to: “Bỏ súng xuống. Các anh đã bị vây. Hàng sống, chống chết!”
Do bị động nên tốp lính ngoan ngoãn làm theo! Nhờ thế mà họ được sống.
(Ghi theo lời kể của ông Chu Văn Thuận, nguyên Bí thư Hải Thủy)
|