Báo Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học: Vai trò chủ đạo của Báo Nhành lúa và Kinh tế tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế của nhà báo - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu:
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cùng một số tư liệu hình ảnh sưu tầm phụ vụ trưng bày tại hội thảo
Dưới chế độ thực dân cai trị, với những quy định ngặt nghèo của việc xuất bản những tờ báo, tạp chí có xu hướng cộng sản rất khó khăn. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng chỉ đạo: “Các cấp bộ đảng phải khuyến khích những người cảm tình (cộng sản), đứng tên ra xin chính phủ cho phép xuất bản những tờ báo công khai”. Và “Khi những tờ báo này bị chính phủ cấm thì người ta (tìm mọi cách) cho ra những tờ khác”. Đảng nhấn mạnh: “Việc xuất bản và phát hành sách báo cần phải tổ chức cho hợp lý, phải có người tin cẩn đứng quản lý các nhà xuất bản để khi sách báo ra thì thâu lấy vốn và lời đặng ra sách báo khác tiếp tục luôn”.
Để các tờ báo có người đọc rộng rãi và bán được, các đảng bộ phải có người am hiểu chính trị, văn hóa để “Viết sách báo tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản một cách công khai và rộng rãi, phổ biến khẩu hiệu của Đảng, bày tỏ thái độ của người cộng sản trong cuộc vận động quần chúng ở giai đoạn hiện tại, làm cho đâu đâu các lớp nhân dân cũng công nhận rằng đường chính trị cộng sản là đúng và ủng hộ, tranh đấu đòi Đảng Cộng sản được công khai”. Và cần phải “Lập ra khắp nơi những ủy ban công khai ủng hộ các tờ báo của Đảng, các ủy ban ấy lấy danh nghĩa ủy ban cộng sản công khai mà liên lạc các đảng phải và hiệu triệu các lớp dân chúng, nếu các ủy ban đều khắp các tỉnh, các quận, các tổng, các làng thì vô hình chung mà thành một đảng công khai hoạt động, dẫu rằng Đảng chưa được chính phủ thừa nhận”.
Nhân kỷ niệm 85 năm ngày tuần báo Nhành Lúa (15/01/1937 – 15/01/2022) và tuần báo Kinh tế Tân văn ra số đầu tiên (9/01/1937 – 9/01/2022), được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Nhà báo tỉnh chủ trì, phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các cơ quan ban ngành liên quan tổ chức hội thảo khoa học: Vai trò chủ đạo của báo Nhành Lúa và Kinh tế tân văn trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) ở Thừa Thiên Huế.
Cả hai tờ tuần báo này đều là cơ quan ngôn luận công khai của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ.
Để có cơ sở đề nghị tổ chức hội thảo, chúng tôi đã tiếp cận, nghiên cứu trên 30 công trình lịch sử báo chí và liên quan đến báo chí, trong đó có nhiều cuốn sách lịch sử đảng bộ các xã, huyện, lịch sử ngành… trong tỉnh Thừa Thiên Huế từ sau 1975 đến nay, nhưng đa số những công trình ấy chỉ mới nhắc tên, hoặc viết một cách sơ sài về tuần báo Nhành Lúa, còn tuần báo Kinh tế tân văn thì hầu như chưa có hoặc viết không rõ ràng, rất khó giúp bạn đọc có cơ sở nhận diện được khuôn mặt của tờ báo. Qua theo dõi, thống kê dẫn nguồn các sự kiện, chúng tôi được biết, từ trước đến nay chưa từng có bất cứ cuộc tọa đàm, hội thảo nào về báo Nhành Lúa và báo Kinh tế tân văn một cách bài bản, khoa học.
Điều này là một thuận lợi và cũng có những khó khăn nhất định trong việc tổ chức hội thảo gộp về báo Nhành Lúa và Kinh tế tân văn. Tuy nhiên, thuận lợi là cơ bản. Dựa trên các số báo đã xuất bản của Nhành Lúa và Kinh tế tân văn mà Hội Nhà báo tỉnh đã sưu tầm đủ, được in thành hai cuốn sách phục vụ cho hội thảo và công tác nghiên cứu lâu dài về lịch sử báo chí ở Huế trước năm 1945. Và những kết quả nghiên cứu.
Ban tổ chức hội thảo họp rà soát công tác chuẩn bị và phân công nhiệm vụ
Ban tổ chức hội thảo nhận được 17 tham luận hưởng ứng tham gia của nhiều tác giả trên các lĩnh vực nói về hai tờ báo.
Hội thảo "Vai trò chủ đạo của báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) ở Thừa Thiên Huế", nhân kỷ niệm 85 năm ngày tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn ra số đầu tiên tại Huế, thêm một lần nữa chúng ta nhìn lại, đánh giá, khẳng định sự đóng góp của báo chí cách mạng công khai những năm 1936 – 1939 và trước, trong Cách mạng tháng 8/1945 ở Huế cũng như ở miền Trung. Sự ra đời, hoạt động tuyên truyền hiệu quả của Nhành Lúa và Kinh tế tân văn đã xác lập chỗ đứng tròng dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng ở Huế, miền Trung và rộng ra là cả nước, trong đó nổi bật lên tài năng, cách mạng và vai trò của các nhà báo, nhà hoạt động cách mạng …..
Thông qua chỉ đạo có tính định hướng của Ban biên tập về nội dung cụ thể cho từng số, từng bài được in công khai trên Nhành Lúa và Kinh tế tân văn cho thấy các nhà hoạt động báo chí đồng thời là hoạt động cách mạng, dùng phương tiện báo chí để hiệu triệu quần chúng, tổ chức cho quần chúng đấu tranh. Từ thực tiễn và môi trường xã hội họ nắm vững đặc thù, thế mạnh của thể loại báo chí, qua hoạt động họ trở thành những nhà báo giỏi về nhiều mặt: Chính trị, tư tưởng, tính chiến đấu, tính mục đích, sử dụng câu chữ dễ hiểu nhưng mạnh mẽ, quyết liệt đối diện với thế lực cai trị… Tất cả đều được xử lý chặt chẽ và đúng định hướng chủ trương của Đảng cộng sản.