ClockThứ Bảy, 25/02/2017 15:32

Vì sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chọn Huế để tới thăm

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường nói về lý do Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chọn Huế để tới thăm trong chuyến thăm tới Việt Nam

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ nghe Nhã nhạc Huế khi sang Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28/2 tới 5/3. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường về ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ 2 nước cũng như lý do tại sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu lại chọn cố đô Huế là địa phương duy nhất để tới thăm trong chuyến đi lần này.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường

PV: Đây là lần đầu tiên Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu tới thăm Việt Nam, xin đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm đối với sự phát triển của quan hệ hai nước?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tuần qua, tôi đã được mời vào Hoàng cung để yết kiến Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu. Nhà vua và Hoàng hậu đều rất trông chờ vào chuyến thăm tới Việt Nam lần đầu tiên này.

Bản thân chuyến thăm đầu tiên sau 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của nó. Đây là chuyến thăm lịch sử, mang ý nghĩa biểu tượng đồng thời cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Quan hệ hai nước ngày càng thân thiện, ngày càng phát triển và có độ tin cậy.

Lãnh đạo của hai nước kể cả Việt Nam và Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Và chuyến thăm lần này của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự phát triển trong quan hệ, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.

PV: Đại sứ có thể cho biết lý do tại sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu lại chọn cố đô Huế là địa phương duy nhất tới thăm trong chuyến đi lần này?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Cả hai nước đều nhất trí cao trong việc chọn cố đô Huế là địa phương để Nhà vua và Hoàng hậu tới thăm. Có rất nhiều lý do, nhưng theo tôi, có ít nhất 2 lý do: lịch sử và văn hóa.

Về lịch sử, cố đô Huế có giá trị rất đặc biệt trong lịch sử của đất nước chúng ta, từng có 143 năm là kinh đô của nước ta trong triều Nguyễn. Nhà vua và Hoàng hậu rất quan tâm tới lịch sử của đất nước chúng ta và đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi liên quan tới triều Nguyễn, thời vua Gia Long hay vua Minh Mạng….

Về văn hóa, có thể nói, cố đô Huế với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi giao thoa, hội tụ của nền văn hóa rất đặc sắc của nước ta. Đây cũng là nơi có giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tôi có nhắc tới Nhã nhạc cung đình Huế khi gặp Nhà vua và Hoàng hậu. Rất ngạc nhiên là Nhà vua nhắc ngay tới chuyện Phật Triết của Việt Nam từ thế kỷ thứ 8 đã mang Nhã nhạc sang biểu diễn trong Lễ khai tượng chùa tại Nara. Trải qua 1300 năm, Nhã nhạc đã được kế thừa và vẫn duy trì biểu diễn trong Hoàng cung Nhật Bản hiện nay. Bản thân Hoàng hậu cũng rất thích Nhã nhạc. Việc này cho thấy giao lưu quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đầu tiên là từ văn hóa, từ âm nhạc.

Ngoài ra, Huế cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử của Việt Nam mà Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ trong việc bảo tồn, duy trì những di tích lịch sử này trong nhiều năm nay. Do vậy, tôi nghĩ việc chọn cố đô Huế có ít nhất hai lý do đó.

PV: Cảm ơn Đại sứ.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top