ClockThứ Bảy, 28/05/2016 11:21

Bất ngờ thú vị giữa thông điệp của ông Obama và TBT Nguyễn Phú Trọng

Đọc lại hai bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ và của Tổng thống Obama tại Việt Nam sẽ thấy nhiều điểm trùng hợp rất thú vị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama hội đàm tại Nhà Trắng tháng 7/2015. Ảnh: Vũ Duy

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/5, ngày 24/5, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đã có bài phát biểu về quan trọng về mối quan hệ Việt-Mỹ trước 2.000 sinh viên, trí thức và doanh nhân trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.  Bài phát biểu đã gây ấn tượng sâu đậm bởi sự chân thành, xây dựng, thẳng thắn và tràn đấy lạc quan gửi đến Việt Nam.

Trước đó hơn 10 tháng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, ngày 8/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở thủ đô Washington. Giữa 2 bài phát biểu này có nhiều điểm trùng hợp thú vị.

Những ký ức lịch sử “ngọt ngào” bị bỏ lỡ

Ngay ở phần mở đầu mỗi bài phát biểu, cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đều nhắc lại lịch sử quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Có những sự kiện về lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chưa được biết đến một cách rộng rãi. Ngài Thomas Jefferson trước khi trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đã từng nỗ lực tìm cách nhập giống lúa tốt của Việt Nam để trồng ở trang trại Shadwell của mình tại bang Virginia. Cách đây hơn 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi tìm con đường để giải phóng cho dân tộc Việt Nam đã đến Boston - nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập ở Hoa Kỳ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phátxít; Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị Nhật bắn rơi ở Việt Nam và những người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám là những người bạn Hoa Kỳ.

Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới năm 1945 được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."

Một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ; Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ "hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ." Tuy nhiên, thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995”.

Tổng thống Obama: “Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử lâu đời giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với rất nhiều sự giao thoa. Hơn 200 năm trước, khi người cha lập quốc của Hoa Kỳ Thomas Jefferson tìm cách mua lúa để trồng trong các trang trại của mình, ông đã tìm đến lúa của Việt Nam, loại lúa gạo mà theo ông là trắng nhất, ngon nhất và năng suất nhất.

Trong Thế chiến thứ 2, khi máy bay của các phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi, người Việt Nam đã tìm cách cứu họ.

Vào ngày Việt Nam tuyên bố giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lẽ ra, cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ thực dân đã khiến nhân dân hai nước nhanh chóng đoàn kết với nhau hơn. Tuy nhiên, thay vì thế, nỗi sợ hãi chủ nghĩa Cộng sản, Chiến tranh Lạnh, và sự thù địch đã đẩy chúng ta vào một cuộc chiến. Từ các cuộc xung đột trong lịch sử thế giới, chúng ta hiểu ra được một sự thật đau đớn rằng, chiến tranh, dù vì lý do gì cũng mang đến thương đau và bi kịch”.

Gác lại quá khứ

Lịch sử đã có những trang đau thương trong cuộc chiến tranh mà cả hai đều chịu tổn thất nặng nề cả về vật chất và con người. Nhắc lại cuộc chiến này trong 2 bài phát biểu, cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đều nhấn mạnh đến chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở thủ đô Washington tháng 7/2015. Ảnh: Vũ Duy

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng, từ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, đến ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2000, và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tích cực trong 20 năm qua trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi. Những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng bước đạt được nhận thức chung về những nguyên tắc này. Đây cũng chính là một nhân tố quan trọng cho việc xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước.

Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Đó cũng là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại”.

Tổng thống Obama: “Hiện tại, Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành đối tác và tôi tin rằng, kinh nghiệm của chúng ta sẽ trở thành bài học cho toàn thế giới tại một thời điểm mà các cuộc xung đột dường như không thể giải quyết và không bao giờ chấm dứt. Chúng ta đã cho thấy, trái tim có thể thay đổi và một tương lai khác hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta từ chối trở thành “tù nhân” của quá khứ.

Chúng ta cho thấy, hòa bình tốt hơn là chiến tranh và những tiến bộ trong việc tôn trọng phẩm giá con người sẽ được thúc đẩy tốt nhất thông qua hợp tác chứ không phải đối đầu. Đó là những điều mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cho thế giới thấy.

Mối quan hệ đối tác mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được bắt nguồn từ niềm tin cốt lõi rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ và không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của họ lên các bạn hoặc quyết định số phận của các bạn.

Hoa Kỳ có lợi ích tại đây, Hoa Kỳ có lợi ích của mình nếu Việt Nam thành công, nhưng mối quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta mới ở giai đoạn khởi đầu, và trong những phút còn lại, tôi muốn cho các bạn thấy một tầm nhìn mà tôi tin rằng có thể dẫn lối cho chúng ta trong những thập niên tới”.

Thẳng thắn thừa nhận khác biệt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người.

Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước”.

Tổng thống Obama: “Hoa Kỳ không hề có ý định áp đặt mô hình Chính phủ của mình lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói không chỉ là những giá trị được coi trọng ở Hoa Kỳ mà tôi cho rằng, đó là những giá trị mang tính toàn cầu được viết trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Tổng thống Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội ngày 24/5. Ảnh: Hoàng Hà

Những giá trị này được ghi trong Hiến pháp Việt Nam trong đó nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Đó chính là những vấn đề chung đối với tất cả chúng ta, mỗi nước đều muốn theo đuổi những nguyên tắc nói trên và đảm bảo rằng, những người làm việc trong Chính phủ như chúng tôi phải thực sự tôn trọng những nguyên tắc đó.

Trong vài năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các cam kết của mình trong việc đảm bảo rằng các bộ luật được thông qua đều theo đúng tinh thần của Hiến pháp và luật pháp quốc tế.

Lạc quan nhìn vào Tương lai

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Những bài học kinh nghiệm của lịch sử và những kết quả thực tế trong 20 năm qua cho thấy rất rõ rằng hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, là có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới.

Những khác biệt giữa hai nước là thực tế khách quan và là tất yếu trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Nhưng thực tế trong 20 năm cũng cho thấy, hai nước chúng ta có thể chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, và những khác biệt không thể là trở ngại cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, lợi ích tương đồng giữa hai nước càng được mở rộng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, hướng tới tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua cho phép chúng ta tin tưởng và lạc quan vào điều đó.

Tôi muốn nhắc đến một câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt "Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công." Tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau”.

Tổng thống Obama: “Hai nước chúng ta, những quốc gia từng chiến đấu chống lại nhau trong quá khứ giờ lại sát cánh cùng nhau để hỗ trợ các nước khác giành lấy hòa bình. Bên cạnh hợp tác song phương, mối quan hệ đối tác giữa hai nước cũng giúp định hình môi trường toàn cầu theo hướng tích cực.

Mặc dù vậy, khi nhìn lại lịch sử đầy khó khăn và thách thức mà chúng ta đã trải qua, tôi đứng đây cùng các bạn ngày hôm nay và hoàn toàn lạc quan về tương lai chung của chúng ta.

Niềm tin của tôi bắt nguồn từ tình hữu nghị và khát vọng chung của hai dân tộc. Tôi nghĩ đến những người Mỹ gốc Việt đã vượt đại dương để đoàn tụ với gia đình lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua và những người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “nối vòng tay lớn” là mở tấm lòng của mình ra để thấu suốt trái tim mình.

Tôi rất tự hào được là người Mỹ nhưng cũng rất tự hào về những người Việt Nam như các bạn. Ngày hôm nay, các bạn có mặt tại đây, nơi quê cha đất tổ của mình, sứ mệnh của các bạn là giúp cải thiện cuộc sống của mọi người dân Việt Nam.

Đây là thời điểm của các bạn và khi các bạn theo đuổi tương lai của mình, tôi muốn các bạn hiểu rằng, Hoa Kỳ luôn ở bên các bạn với tư cách là một đối tác và là một người bạn.

Nhiều năm sau này, khi ngày càng có nhiều người Mỹ và người Việt Nam cùng học tập, sáng tạo và làm ăn với nhau cũng như cùng đứng lên để thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Tôi mong các bạn nhớ đến khoảnh khắc này và có được hy vọng từ những gì mà tôi mang đến cho các bạn từ tầm nhìn của mình ngày hôm nay. Nói cách khác, tôi xin dẫn hai câu Kiều như sau: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Những trùng hợp thú vị trong hai bài nói chuyện cực kỳ quan trọng  của hai nhà lãnh đạo cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ có một sự đồng thuận lớn  trong nhận thức và hành động để  tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia vì hạnh phúc và thịnh vượng.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Đại hội đồng AIPA-45

Sáng 19/10, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Đại hội đồng AIPA-45 với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN" chính thức khai mạc với sự tham dự của đoàn đại biểu các Nghị viện/Quốc hội thành viên, quan sát viên và đối tác phát triển của AIPA. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thông điệp gửi Đại hội đồng AIPA-45. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn thông điệp.

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Đại hội đồng AIPA-45
Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em

Gần gũi, sinh động và thiết thực, sự đa dạng của các mô hình, chương trình tuyên truyền đã tăng cường nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em cho chính trẻ em, mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em
Thông điệp 2K trong phòng, chống dịch COVID-19

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khẩu trang và khử khuẩn là biện pháp tốt để phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch.

Thông điệp 2K trong phòng, chống dịch COVID-19
TỔNG RÀ SOÁT, KIỂM TRA AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ TRÊN PHẠM VI TOÀN TỈNH:
Thông điệp đã rõ, vấn đề là thực chất

“Nơi nào để xảy ra trường hợp cơ sở không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH); chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động mà đơn vị, địa phương không chủ động xử lý, giải quyết, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị, địa phương nơi đó”.

Thông điệp đã rõ, vấn đề là thực chất
Return to top