ClockThứ Ba, 19/03/2024 11:22

Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em

TTH - Gần gũi, sinh động và thiết thực, sự đa dạng của các mô hình, chương trình tuyên truyền đã tăng cường nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em cho chính trẻ em, mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội.

“Hạnh phúc cho em”“Xuân yêu thương” đến với trẻ em vùng caoĐẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

 Học sinh bày tỏ ước nguyện của mình trong chương trình "Điều em muốn nói". Ảnh: Hội BVQTE

Dư âm

Trong chương trình “Vòng tay yêu thương” được Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam tổ chức tại TP. Huế, cùng với các hoạt động liên quan, hàng trăm học sinh và phụ huynh đã được theo dõi tiểu phẩm ngắn “Chuyện của Tình”. Tiểu phẩm kể về cậu học trò tên Tình bị mẹ đánh, mắng vì kết quả học tập không như kỳ vọng.

Sau tiểu phẩm, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra dành cho các em học sinh và cả những bậc phụ huynh. Trong đó, hành động đánh, mắng chửi của mẹ em Tình đã được các chuyên gia lý giải cặn kẽ. Dù xuất phát từ tình yêu thương, song đánh chửi là hành vi vi phạm quyền trẻ em, chưa kể đến những tổn thương mà em Tình phải gánh chịu.

Dù diễn ra vào năm 2023, nhưng dư âm từ các thông điệp được gửi gắm qua tiểu phẩm và chia sẻ của chuyên gia vẫn luôn được chị Huệ (TP. Huế) thường xuyên nghĩ tới và tự nhắc nhở bản thân. Chị chia sẻ: “Tôi cũng đã từng vì kỳ vọng học tập đặt vào con quá lớn mà quên mất rằng con mình mới chỉ là cậu học trò học tiểu học. Từng la mắng con, cũng có lúc không kiểm soát được mà đánh đòn con, tôi đã rất bất ngờ vì phản ứng của con mình chẳng khác gì bạn nhỏ trong tiểu phẩm “Chuyện của Tình”. Tôi nhận ra mình đã làm tổn thương con rất nhiều”.

Chị Huệ không phải là trường hợp phụ huynh duy nhất nhìn thấy câu chuyện của mình từ tiểu phẩm này. Những năm gần đây, các hình thức tuyên truyền về bảo vệ quyền trẻ em ngày càng đa dạng, sinh động và mềm hóa. Lồng ghép khéo léo vào các diễn đàn, hội thi, trò chơi, tiểu phẩm đến hỏi đáp cùng chuyên gia, những hoạt động trên đã lan tỏa tích cực, hiệu quả những thông điệp về bảo vệ quyền trẻ em đến từng học sinh và phụ huynh.

Lan tỏa

Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh cho biết: “Nhằm nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, kỹ năng phòng, chống các vấn đề của trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em, Hội BVQTE tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, lan tỏa thông điệp bảo vệ trẻ em với nhiều nội dung và hình thức khác nhau”.

Cùng với các hoạt động truyền thông, hội thi phòng chống xâm hại trẻ em, diễn đàn, Hội đã phối hợp với Hội BVQTE Việt Nam tổ chức chương trình “Vòng tay yêu thương” và “Điều em muốn nói” dành cho học sinh và phụ huynh của 10 trường trên địa bàn TP. Huế và huyện Phú Vang.

“Chỉ riêng chương trình “Vòng tay yêu thương” và “Điều em muốn nói”, gần 1.000 trẻ em và phụ huynh đã được vui chơi cùng các trò chơi mang thông điệp bảo vệ trẻ em. Đây cũng là lần đầu tiên các em và phụ huynh cùng tham gia hỏi đáp những vấn đề về quyền trẻ em với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Trung ương và địa phương. Đặc biệt, các em đã có thể bày tỏ những điều mong muốn, những ước mơ của chính mình”, đại diện Hội BVQTE tỉnh cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, vẫn còn không ít các vụ việc vi phạm quyền trẻ em như bạo lực thể chất, tinh thần, xâm hại, lạm dụng sức lao động trẻ em vẫn đang diễn ra. Bởi thế, công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng và là điều kiện tiên quyết để tất cả mọi người trong xã hội thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ quyền trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, để tiếp tục lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em, trong năm 2024, Hội BVQTE tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng và tổ chức các diễn đàn. Từ đó tuyên truyền Luật Trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy công tác bảo vệ quyền trẻ em ngày càng đi vào chiều sâu.

Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa những hành động đẹp

Qua gần 5 năm triển khai các hoạt động, phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, câu lạc bộ, đội, nhóm… trên địa bàn thành phố tích cực tham gia, góp phần xây dựng Huế ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Lan tỏa những hành động đẹp
Đa dạng hình thức lan tỏa văn hóa đọc

Diễn ra trong vòng hơn 6 tháng, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 được Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trên toàn tỉnh tham gia, với con số vô cùng ấn tượng hơn 16.300 bài dự thi đến từ 120 trường.

Đa dạng hình thức lan tỏa văn hóa đọc
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9/11:
Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa

TIN MỚI

Return to top