Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TTXVN
1. Chúng đưa ra những chỉ trích, quy kết sai lệch về bầu cử, xem bầu cử đó là màn kịch do Đảng “đạo diễn”, là hình thức “đại hội Đảng mở rộng”. Chúng phê phán cách thức bầu cử là không phù hợp, chỉ là “hình thức làm thủ tục”, “dân chủ không thực chất”, tốn kém tiền bạc của dân. Cùng với đó là luận điệu không chấp nhận quy trình bầu cử, không tín nhiệm người của Đảng giới thiệu, kích động người dân phản đối không đi bầu hoặc gạch hết người không do dân cử. Ngang nhiên hơn, chúng yêu cầu Đảng giao quyền thực chất cho Quốc hội, để các thành phần xã hội ứng cử cạnh tranh, rồi cả yêu cầu các tổ chức quốc tế vào giám sát...
Âm mưu chống đối của chúng là bản chất không thay đổi, nhưng muốn nói gì cũng phải trên cơ sở Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy, Đảng lãnh đạo bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là hoàn toàn hợp hiến, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn xã hội ở Việt Nam. Đảng lãnh đạo trên cơ sở định ra đường lối, đôn đốc hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân thực hiện cuộc bầu cử. Đồng thời, đó là trách nhiệm nhằm kiện toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương theo các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII đề ra.
Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng đảm bảo sự thống nhất trong quy trình giới thiệu, ứng cử, hiệp thương và công tác tổ chức bầu cử. Thông qua Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội để lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng cho thực hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Sự lãnh đạo đó nhằm đảm bảo cân đối thành phần, cơ cấu hợp lý; làm cơ sở cho xây dựng, củng cố bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nếu không sẽ dễ nảy sinh những bất ổn, mầm mống tả khuynh, đi ngược lại quyền lợi của Nhân dân, làm suy yếu đất nước.
Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là để lãnh đạo thực hiện những mục tiêu, yêu cầu đó. Không thể nói Đảng làm thay hoặc can thiệp không đúng vào quy trình, chỉ đạo làm sai lệch kết quả theo cơ cấu của Đảng.
Thực tế từ trước đến nay, ngày bầu cử là ngày hội của tinh thần đoàn kết, dân chủ, người dân thực hiện quyền công dân bằng lá phiếu, lựa chọn khách quan những người mình tín nhiệm.
2. Cùng với luận điệu hạ thấp vai trò của Đảng, bọn cơ hội chính trị trong nước tung ra những nhận định về nhân sự khóa mới, rêu rao về sự “thỏa hiệp”, phân chia ghế của các phe nhóm từ trong Đảng cho đến Quốc hội. Chúng cho đây là dịp để “giành ghế” có nhiều quyền lực, bổng lộc cho ê kíp thân hữu, “nhóm lợi ích”. Khi có Nghị quyết 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng người ngoài Đảng (có từ 25 đến 50 đại biểu, chiếm 5-10%), chúng cho như vậy là quá ít, rồi đặt ra yêu cầu cần có “cơ cấu thoáng” hơn, phải cân bằng thành phần trong và ngoài Đảng theo tỉ lệ 50/50. Thậm chí chúng còn đưa ra cách thức tranh cử như các nước phương Tây, nghĩa là muốn ứng cử phải có tiền, cho tự do vận động tranh cử, người dân được trực tiếp giới thiệu ứng cử viên, không cần thông qua Mặt trận như hiện nay.
Những luận điệu hay chỉ là những chiêu trò nhằm làm rối công tác bầu cử đã được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Kiểu đòi hỏi đó như đã từng diễn ra trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946. Thời điểm đó các đảng phái đối lập với Việt minh yêu cầu phải dành 70 ghế đại biểu, không cần biết các thành phần khác. Cách thức đó đã bộc lộ bản chất lợi dụng dân chủ trong bầu cử nhằm mục đích đưa người vào thao túng, lũng đoạn cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Và chính là âm mưu từng bước hình thành lực lượng đối lập trong bộ máy chính quyền, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm suy yếu Nhà nước, tiến tới xóa bỏ Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Dân chủ trong bầu cử không có nghĩa là ai muốn giới thiệu hoặc ứng cử tùy tiện mà phải thông qua một cơ quan, tổ chức giới thiệu, không có quốc gia nào cho tự do vô chính phủ như vậy. Ở Mỹ, người ứng cử Tổng thống, Nghị viện phải thông qua đảng của họ giới thiệu (đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa), không thể tự đăng ký. Nếu tự đăng ký cũng phải được một tỉ lệ dân chúng theo quy định hiệp thương giới thiệu. Chúng ta thực hiện quyền tự ứng cử hoặc giới thiệu ứng cử đều thông qua Mặt trận là hoàn toàn khách quan.
Quá trình hiệp thương, tổ chức bầu cử, các thế lực chống đối tiếp tục lợi dụng sơ hở của ta để gây rối, chống phá kết quả bầu cử. Không loại trừ chúng có thể lừa bịp được một bộ phận dân chúng thiếu ý thức tạo nên bất ổn chính trị, manh động, bạo lực. Vì vậy, đòi hỏi hệ thống chính trị, ủy ban bầu cử các cấp phải hết sức cảnh giác, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa quyền và nghĩa vụ công dân, vận động mọi tầng lớp hưởng ứng ngày hội của toàn dân.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH