Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII. Ảnh: nhandan.com.vn
Nhiều trang đưa những tít bài giật gân như: Ai sẽ là tứ trụ đại hội XIII; Ai ở, ai đi, ai kế nhiệm Tổng Bí thư; Rối ren trước thềm đại hội XIII… Nội dung xoay quanh tình hình về nội bộ Đảng khi dự kiến nhân sự cấp chiến lược, quy hoạch cán bộ cho Đại hội lần thứ XIII; đưa ra “dự kiến nhân sự” Bộ Chính trị, người kế nhiệm Tổng Bí thư, thay thế Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Nội dung không có gì mới mà chủ yếu xoay quanh bình luận về độ tuổi, dự kiến người của 3 miền sẽ nắm chức này, chức nọ. Thâm hiểm hơn nữa là nêu quan hệ của các chức tạo liên danh giành quyền lực chủ chốt trước và trong đại hội. Rồi từ đó nhận định như đinh đóng cột Tổng Bí thư sẽ nhường ghế cho ai, chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ thuộc về ê kíp nào... Chúng đưa ra những danh sách mơ hồ và khẳng định những người sẽ được cơ cấu trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh quan trọng trong bộ máy cấp cao.
Cùng một nội dung kiểu như trên nhưng được các trang tin khai thác ở nhiều góc độ, biên tập lặp đi lặp lại cho có vẻ ly kỳ, nóng hổi, tỏ ra hiểu biết, độ chính xác cao. Nguy hiểm nhất là bình luận, xuyên tạc về phe phái thân nước này, nước nọ, trước mỗi kỳ đại hội phải đi “Triều cống, tiếp kiến” để tranh thủ ủng hộ…
Nham hiểm nữa là chúng lôi kéo những cán bộ thoái hóa, biến chất bị kỷ luật để làm công cụ, tạo “nhân chứng” cho các cuộc “tọa đàm dân chủ”. Số chống đối lâu nay coi đây là dịp để phát ngôn, nhận định xuyên tạc sự thật về các đồng chí lãnh đạo, kể cả xuyên tạc đời tư của Bác Hồ. Những luận điệu không có thật nhưng cố tạo cho được cái gọi là “bằng chứng”, “nhân chứng trong cuộc” nhằm bôi lem, nói xấu, hạ uy tín.
Một thủ đoạn dễ thấy là đưa ra những hình ảnh cắt ghép về các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo với các ông chủ tập đoàn kinh tế rồi khẳng định là sân sau, nguồn cung cấp tài chính tham nhũng. Đưa hình ảnh những căn biệt thự sang trọng (cả ở nước ngoài) gán cho sở hữu của vị lãnh đạo nào đó. Lấy những nhân chứng giấu mặt phát ngôn khẳng định tài sản và tài khoản ở nước ngoài của giới lãnh đạo. Chúng đưa ra một số vụ án tham nhũng cụ thể để nhận định và kết luận đó là bản chất của nhà nước độc đảng, độc tài cần phải loại bỏ. Trên mạng xã hội xuất hiện một số trang cá nhân mạo danh các đồng chí lãnh đạo với nhiều hình ảnh, bài viết được cắt ghép tinh vi, mới xem tưởng như thật.
Âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ đối với đất nước ta của các thế lực thù địch, các loại đối tượng không thay đổi. Phá rối hệ thống chính trị của Việt Nam, nhất là các dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội được chúng vạch ra với tâm điểm hàng đầu là bộ máy lãnh đạo, những người sẽ thực hiện đường lối chính trị của đất nước. Âm mưu cao nhất là làm lu mờ, hạ uy tín lãnh đạo trong bộ máy Đảng, chính quyền, nhất là cán bộ cấp cao. Hạ thấp uy tín của lãnh đạo sẽ mở đường từng bước loại bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống chính trị, xã hội. Đây được cho là khối nền tảng tư tưởng ăn sâu bám rễ, là nhân tố vững chắc trong chế độ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các thế lực thù địch, đối tượng chống đối ngày càng rõ và công khai chống phá trước mỗi sự kiện lớn của Đảng, nhất là các kỳ đại hội. Mục đích là làm mất ổn định, gieo rắc hoài nghi, ngờ vực, tạo ra yếu tố gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với lãnh đạo cấp cao.
Cho nên, mỗi người tiếp nhận thông tin cần phải cảnh giác, phân tích, suy xét và có phản biện tích cực, bóc mẽ sự thật các thông tin thêu dệt.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH