Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt, quán triệt chuyên đề công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: dangcongsan.vn
Nhiệm vụ lớn của Đảng
Đảng ta xác định nhiệm vụ chiến lược về công tác xây dựng Đảng trên 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức - cán bộ. Nhiệm vụ này đề ra từ Đại hội lần thứ 3 (năm 1960) và đã được thực hiện xuyên suốt cho đến nay. Đến Đại hội 12 bổ sung thêm nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, đặt ngang tầm với những nhiệm vụ khác và tiếp tục được nhấn mạnh trong Đại hội Đảng lần thứ 13. Trong đó, xây dựng đạo đức được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp.
Trước đây, vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên được đặt chung trong nhiệm vụ tư tưởng hoặc trong công tác tổ chức - cán bộ, dẫn đến thiếu cơ sở nghiên cứu về lý luận, thực tiễn. Xây dựng đạo đức được đặt ra nhiều nhưng chưa nhấn mạnh những điểm yếu, tiêu cực dễ phát sinh, xử lý kỷ luật ở nhiều nơi chưa đồng bộ. Từ đó, cán bộ vi phạm còn xảy ra nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, dù đã được kỷ luật, xử lý nghiêm khắc.
Đối tượng vi phạm không chỉ là đảng viên cấp dưới mà còn có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh lực lượng vũ trang. Cán bộ vi phạm không chỉ bị xử lý trong Đảng mà còn khởi tố hình sự với những mức án được tuyên rất nặng, “không có vùng cấm”. Đặt ra nhiệm vụ xây dựng đạo đức cán bộ ngang tầm với những nhiệm vụ khác thực sự là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đạo đức là phạm trù rất rộng, từ đạo đức chung đến đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức lãnh đạo... đòi hỏi có những quy chuẩn đặc thù riêng. Chúng ta đã quy định về đạo đức công vụ nói chung nhưng các khâu nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm còn theo kiểu đánh giá cảm tính, chưa có quy định mang tính định lượng.
Từ thực tiễn tình hình, Đảng đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa 11) về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống ”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) đã nêu rõ hơn, xác định những “Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống” với 9 dấu hiệu nhận diện. Như vậy, trong vài nhiệm kỳ gần đây, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức đã xác định rõ hơn, trở thành nhiệm vụ lớn của Đảng.
"Không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”
Cán bộ, nhất cán bộ lãnh đạo có tính chất quyết định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cán bộ giữ chức vụ cao vi phạm, bị xử lý kỷ luật vừa ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ đảng viên, đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đặt ra vấn đề xây dựng, chỉnh đốn đạo đức cán bộ là nhiệm vụ mang tính sống còn, lấy lại niềm tin của Nhân dân. Đòi hỏi đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải có tài, đức; trong đó đức được đặt lên trên hết, là nguồn cội cho mọi hoạt động của Đảng và người đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Như vậy, xác định vấn đề đạo đức được nâng lên trở thành một nhiệm vụ lớn trong Đảng là yêu cầu cao nhất nhằm chấn hưng đạo đức công vụ, từ trong từng tổ chức đến cả hệ thống chính trị. Xây dựng đạo đức không chỉ yêu cầu làm trong sạch Đảng mà còn đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân về xây dựng bộ máy công vụ liêm chính, kiến tạo.
Nhiệm vụ nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh hơn. Văn kiện Đại hội Đảng 13 xác định: “Đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “gốc”, làm nền tảng nâng cao năng lực của đảng viên, cán bộ lãnh đạo. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Bác Hồ đã căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Xây dựng Đảng về đạo đức chính là mục tiêu làm cho đảng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, lối sống làm gương cho cán bộ và quần chúng noi theo.
Đại hội Đảng 13 đề ra 10 giải pháp về xây dựng chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là củng cố, siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị. Cho nên, cần tiếp tục nâng cao nhận thức chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện có chất lượng Chỉ thị 05 và kết luận của Bộ chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, Hồ Chí Minh.
Kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống với biện pháp kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, đạt thêm nhiều kết quả như đã làm được trong nhiệm kỳ khóa 12. Làm sao để trong nhiệm kỳ 13 và những năm tiếp theo không còn những con số kỷ luật đáng buồn như trong nhiệm kỳ qua. Không có gì tốt hơn khi mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong hệ thống chính trị phải thực sự tự giác giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình, chức vụ càng cao càng phải là những tấm gương trong sáng về đạo đức, lối sống, thực sự “là đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Cho nên, xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức là bước thay đổi về chất cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH