Các lực lượng chức năng sát cánh bên dân trong bão, lũ. Ảnh: ĐÌNH THẮNG
Tại Đại hội VI của Đảng, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra trong toàn bộ hoạt động của mình là Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng.
Đánh giá quá trình đổi mới, Đại hội IX của Đảng một lần nữa khẳng định: Đổi mới phải dựa vào Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân. Đến Đại hội Đảng lần thứ XII, một trong năm bài học mà Đại hội đúc kết là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đó là những bài học hết sức quý báu mà trong suốt hơn 90 năm qua và nhất là trong quá trình đổi mới Đảng đã rút ra. Để thực hiện được bài học này, Đảng ta đã thực hiện các nguyên tắc cơ bản: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.
Đặc biệt, trong Hiến pháp, tại Điều 4, khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, điểm 2 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Vậy là không chỉ lãnh đạo Nhân dân, phục vụ Nhân dân, Đảng còn phải chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân.
Quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản mang tính chiến lược liên quan đến công tác dân vận, tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các hình thức góp ý với Đảng và giám sát cán bộ, đảng viên ngày càng được quan tâm. Các cuộc lấy ý kiến của Nhân dân cả nước vào dự thảo Cương lĩnh, văn kiện đại hội Đảng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo các luật đã phát huy trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân để xây dựng, hoàn thiện các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân.
Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” câu nói này ai cũng thuộc, ai cũng biết. Nhưng có một câu đó là: “Nước độc lập, mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” không phải ai cũng biết.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh đến việc thụ hưởng của người dân: “Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đây là lần đầu tiên mục tiêu này được đưa vào văn kiện của Đảng.
Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này thì cần phải làm cho dân biết. như Bác Hồ từng nói: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Muốn vậy phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin.
Và điểm khác biệt về chất của chế độ XHCN chính là ở chỗ ai là người được thụ hưởng? Đó chính là quần chúng Nhân dân chứ không phải ai khác. Họ là người sản xuất ra mọi của cải vật chất và của cải tinh thần cho xã hội. Do vậy, người dân cần được hưởng thụ những thành quả đó một cách công bằng.
Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân với một chính phủ kiến tạo không ngoài mục đích là đem lại hạnh phúc cho Nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Giữ vững các nguyên tắc trong bài học “lấy dân làm gốc” chính là tạo động lực để toàn dân thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH mà Đảng ta đã đề ra.
ThS. Trần Trọng Hướng