Đã lâu rồi mới có những bản án bị kỷ luật nặng, công khai trước công luận, được cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đồng tình hoan nghênh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến và bình luận khác nhau về kỷ luật với hình thức cách chức, vì cho rằng hình thức này chỉ áp dụng cho người đang đương chức, còn về hưu rồi thì có chức đâu nữa, cách chức như trò hề, gọi là cho có kỷ luật… Nói như vậy vừa không đúng, vừa chưa hiểu các hình thức kỷ luật của Đảng, thậm chí xuyên tạc kỷ luật của Đảng.
Theo quy định của điều 35, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì đảng viên vi phạm đến mức kỷ luật có các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Như vậy, cách chức là một trong những hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm. Đây là mức kỷ luật tương đối nặng đối với đảng viên, chỉ xếp sau khai trừ. Thường thì những người đã bị kỷ luật khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng mới phải chịu mức này. Đặc điểm của cách chức là chỉ những người giữ chức vụ mới bị kỷ luật cách chức. Khi đã bị cách chức thì đảng viên đó không còn được xưng danh chức vụ như đã có trước đó. Ví dụ như bí thư một chi bộ khi đã bị cách chức thì không còn là bí thư và không được gọi là “cựu, nguyên” như những người thôi giữ chức vụ khi hết nhiệm kỳ. Nôm na gọi là “mất chức”. Như vậy, cách chức là một trong những hình thức kỷ luật khi đảng viên vi phạm. Vi phạm nặng đến mức phải cách chức thì đối chiếu theo Điều lệ Đảng và quy định của Ban Bí thư để kỷ luật, không phải muốn cách chức là kỷ luật cách chức.
Đối với các trường hợp đã nghỉ hưu hoặc đã hết nhiệm kỳ thì khi bị kỷ luật cũng xem xét trên cơ sở đó. Khi đảng viên đã bị cách chức thì không được còn công nhận chức vụ và đương nhiên không được ghi vào lý lịch, không được hưởng những ưu đãi của chức vụ (nếu có). Do tính chất chức vụ trong Đảng gắn với nhiệm kỳ, nên khi bị kỷ luật thường ghi kèm theo thời gian của nhiệm kỳ để xác định thời điểm bị kỷ luật. Trường hợp bị phát hiện sai phạm trước đó sau khi hết nhiệm kỳ, không còn giữ chức vụ thì án kỷ luật tính vào thời gian nhiệm kỳ của người đó đã vi phạm. Cho nên, những bản án kỷ luật cách chức vừa qua đều ghi rõ nhiệm kỳ của người vi phạm là vì vậy.
Căn cứ theo Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Bí thư về xử lý đảng viên vi phạm, không phân biệt đương chức hay đã nghỉ hưu, mọi người đều bình đẳng, không phân biệt đối xử, không có vùng cấm. Thế nhưng, vẫn có suy diễn và dư luận cho rằng, chỉ xử lý những đảng viên đã nghỉ hưu, đã thôi chức, còn những người đương chức không thấy kỷ luật hình thức này. Khi kỷ luật những đảng viên cấp cao vừa qua, cũng có những kẻ xấu xuyên tạc cho rằng đây là cách phe phái thanh trừng nội bộ, trả thù cá nhân hoặc theo chỉ đạo từ bên ngoài. Dư luận còn cho rằng, cách chức với những người đã nghỉ hưu không có tác dụng răn đe. Ngay cả những người về hưu bị cách chức cũng có những phát ngôn gây sốc: "Về hưu rồi muốn làm gì thì làm, cách chức đâu còn quan trọng"…
Phải xác định đảng viên bị kỷ luật là nghiêm trọng, cách chức thậm chí khai trừ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của bản thân. Đồng nghĩa với nó là danh dự, uy tín của đảng viên, gia đình bị giảm sút trong xã hội, cơ quan và cộng đồng. Người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất trọng danh dự. Bị kỷ luật cách chức nghĩa là mất đi giá trị tinh thần khó lấy lại được. Nghỉ hưu rồi mà bị cách chức lại càng khó mà phục hồi. Người ta hay nói nôm na “hạ cánh không an toàn” là vì vậy.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH