Khai trương Nhà máy điện mặt trời Phong Điền - điểm nhấn để phát triển vùng cát
Bước phát triển mới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, kinh tế - xã hội Phong Điền đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Trên địa bàn huyện đã hình thành gần 20 khu đô thị, khu dân cư mới và các khu vực phát triển thương mại, dịch vụ. Huyện có 2 đô thị được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V là thị trấn Phong Điền và đô thị Phong An. Đô thị Điền Lộc đang được đề nghị đạt chuẩn đô thị loại V trong những năm tới.
Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền, nhiều công trình có tác động tích cực đến đời sống, sản xuất được đầu tư như: Hệ thống giao thông liên vùng, liên xã; hệ thống đê bao, kênh mương nội đồng; hạ tầng vùng nuôi thủy sản; các trạm bơm điện, hệ thống điện... Riêng giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt trên 890 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu, 3 chương trình trọng điểm, đến nay đều thực hiện đạt và vượt. Trong đó, giá trị sản xuất tăng bình quân 15,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng (gấp 1,8 lần so với năm 2015). Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 12%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 13.800 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,84%; đến cuối năm 2020 có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát huy sức mạnh toàn dân
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, người dân tổ dân phố Trạch Thượng 1, thị trấn Phong Điền cho biết, Đại hội Đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu là xây dựng huyện trở thành thị xã trước năm 2025. Phong Điền là một huyện thuần nông, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển đang là một trong những trở ngại lớn của địa phương. Vì vậy cần sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh...
Đại hội Đảng bộ huyện Phong Điền vừa qua đã định hướng sáp nhập, phân định lại để giảm từ 16 thành 12 đơn vị hành chính cấp xã. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng 7 đô thị (phường) gồm đô thị trung tâm huyện và các đô thị vệ tinh như: Phong An, Điền Lộc - Điền Hòa, Phong Hiền, Phong Mỹ, Phong Hòa, Điền Hải-Phong Hải. Vì vậy, huyện phải hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2023.
Theo ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền, qua rà soát, huyện có nhiều tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chuẩn trong tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị. Trong đó, nhiều tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn, có thời gian triển khai, như: mật độ đường giao thông tính đến đường có chiều rộng phần xe chạy trên 7,5m; mật độ đường ống thoát nước chính, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn về nhà tang lễ… Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, của tỉnh, huyện cần phải huy động sức mạnh toàn dân, huy động mọi ngưồn lực để có thể hoàn thành một số chỉ tiêu, tiêu chuẩn trước năm 2022.
Ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền cho biết, hiện nay, huyện đã tập trung xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án để phát triển thành thị xã gồm: Quy hoạch chung huyện Phong Điền; Chương trình phát triển đô thị; Đề án phân loại Phong Điền theo tiêu chí đô thị loại IV; Đề án thành lập thị xã Phong Điền theo hướng gắn với Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để hoàn thành các định hướng trên, huyện sẽ tăng cường huy động nguồn lực để nâng cấp, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, tập trung vào các đô thị trung tâm như thị trấn Phong Điền, khu vực ngã tư An Lỗ, khu vực trung tâm xã Điền Lộc và trung tâm các phường để tạo diện mạo đô thị. Trước mắt, tập trung quy hoạch và phải xây dựng Phong Điền trở thành đô thị loại IV, làm cơ sở, động lực để phát triển lên thị xã.
Bài, ảnh: Hải Huế